Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Phải khẳng định rằng, trong những năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Điều mà ai cũng thấy rõ đó là nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân công… Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, các doanh nghiệp đã dần được phục hồi, chính vì thế từ năm 2021 đến nay kinh tế của tỉnh có bước hồi phục mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng cao hơn so mức trung bình cả nước, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng rất cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ cũng tăng cao. Với lợi thế là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi, có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó còn có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, tiềm năng phát triển du lịch, nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, đặc biệt có trữ lượng dầu mỏ lớn… Chính vì thế trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bình Thuận. Tỉnh còn tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó tỉnh còn khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, trong thời gian tới Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 đã yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Theo đó cần phải quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân của doanh nghiệp. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý. Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững…