Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cuối tuần qua, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại hội trường, nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chất lượng nội dung trả lời kiến nghị của cử tri là vấn đề mà nhiều ĐBQH quan tâm. Trên thực tế, tình trạng trả lời, phản hồi chung chung vấn đề cử tri quan tâm không phải ít. Không thể phủ nhận, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều quan tâm trong trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri; tỷ lệ kiến nghị cử tri được phản hồi, cung cấp thông tin và giải trình ngày càng được nâng cao. Song, các nội dung trả lời đó có thỏa đáng, có đi vào trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm không?
Thực tế, trước những tồn tại hiện nay, nhất là sự chồng chéo, bất cập trong quy định hiện hành, sẽ có ý kiến, vấn đề cử tri phản ánh chưa được giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để. Nhưng cũng không phải vì thế mà khi xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh thì được phép trả lời qua loa, đại khái, không đi vào cụ thể vấn đề cử tri kiến nghị hoặc né tránh “cho qua”.
Khi nội dung cử tri quan tâm chưa được giải quyết thuyết phục, đương nhiên cử tri sẽ tiếp tục phản ánh khi có dịp. Vì thế, hầu như tại mỗi buổi ĐBQH tiếp xúc cử tri, đều có cử tri phản ánh, bày tỏ bức xúc về kiến nghị cũ, với trạng thái tâm lý bức xúc hơn…
Thực trạng “cử tri hỏi một đằng, trả lời một nẻo” không phải mới và cũng không phải chỉ được phản ánh tại diễn đàn của Quốc hội. Tại TPHCM, là cơ quan dân cử của người dân thành phố, HĐND TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới, đa dạng để có thể tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề cử tri bức xúc. Chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” là một trong những giải pháp cụ thể của HĐND TPHCM, tạo thành kênh tương tác hiệu quả của người dân và chính quyền thành phố. Nhưng trong các buổi tiếp xúc cử tri, vẫn còn không ít kiến nghị cử tri thành phố được phản ánh lại. Từ phản ánh của người cử tri, cán bộ, bộ máy chính quyền sẽ nhận thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhận diện rõ được thực tiễn quá trình thực thi chính sách pháp luật và có sự điều chỉnh, kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp, thể hiện tốt hơn vai trò công bộc của nhân dân. Do vậy, ở cả khía cạnh của cử tri lẫn đòi hỏi thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo của bộ máy chính quyền, thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng trả lời của cử tri, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động giám sát, làm rõ vai trò của các cơ quan, đơn vị liên quan, mà nhất là của người đứng đầu cũng như trách nhiệm giữa các bộ ngành, các cơ quan có liên quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri.
Việc Quốc hội đưa ra thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri giúp cử tri ít nhiều nắm được những thông tin về giải quyết kiến nghị của mình ra sao, tạo điều kiện để cử tri cùng giám sát. Hoạt động này sẽ góp phần từng bước nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải quyết kiến nghị cử tri để kết quả giải quyết đi vào thực chất, đúng trọng tâm, bản chất và nâng cao chất lượng phản hồi kiến nghị của cử tri.
Lần đầu tiên đưa báo cáo ra thảo luận còn là chỉ dấu cho thấy sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Để tiếp tục khẳng định, biểu lộ rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội cũng cần đưa kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri vào thảo luận thường kỳ tại các kỳ họp, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong phục vụ nhân dân.