Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong công tác bảo đảm an toàn tại các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.
Các cơ sở khám, chữa bệnh có nhiều hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế dễ cháy nổ |
Hiện cơ sở vật chất của một số đơn vị trong ngành đã xuống cấp đang trong quá trình xây dựng; một số đơn vị có nhiều cơ sở rải rác trên địa bàn gây khó khăn trong hoạt động, quản lý, điều hành của các đơn vị. Hệ thống báo cháy của các đơn vị không đồng bộ và không có hệ thống chữa cháy tự động. Các đơn vị được đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa đã lâu đến nay một số thiết bị PCCC đã cũ.
Tại các đơn vị khi xây dựng, sửa chữa đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH hiện có tại đơn vị, để lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời, trang bị bổ sung các thiết bị còn thiếu. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế khám, chữa bệnh luôn có một khối lượng lớn chất cháy như các loại phim X-quang, các hóa chất nguy hiểm, các chất oxy hóa mạnh, chăn, màn, quần, áo và các tư trang của bệnh nhân khi cháy sẽ tỏa ra nhiều khói độc. Có nhiều khu vực nguy hiểm như: Khu vực hấp, khu vực sấy, khu vực là ủi, khu vực căn tin, khu vực xử lý rác thải y tế, khu vực kho dược hóa chất và các bãi giữ xe lộ thiên trong khuôn viên bệnh viện.
Sở Y tế Lâm Đồng đã phổ biến, tuyên truyền đến các đơn vị trực thuộc, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy nổ và CNCH trong phạm vi quản lý của mình. Việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm và chấp hành các quy định pháp luật về PCCC, CNCH là một tiêu chí đánh giá chất lượng của đơn vị. Sở Y tế đề nghị các đơn vị kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC, CNCH; tăng cường tự kiểm tra công tác PCCC, CNCH tại đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCCC và các biện pháp an toàn về điện tại đơn vị cho công chức, viên chức. Xây dựng phương án, nội quy, trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ công tác PCCC định kỳ đảm bảo an toàn, nhất là trong các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, tết và thời tiết biến đổi trong mùa nắng nóng. Cử công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, thực hành về PCCC.
Theo ghi nhận của Sở Y tế, trong giai đoạn 2020 – 2022 có 1 vụ cháy xảy ra vào ngày 6/4/2022 tại khu vực Phòng Văn thư và lưu trữ và kho vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch của Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, gây một số thiệt hại về vật tư, hóa chất và hồ sơ lưu trữ, không gây thiệt hại về người. |
Sở Y tế đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác PCCC, bảo vệ tài liệu lưu trữ; đồng thời, kết hợp trong các đợt kiểm tra công tác chuyên môn, để kiểm tra các nội dung thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các đơn vị trực thuộc. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Luật PCCC, nâng cao tinh thần cảnh giác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công việc chấp hành luật và các quy định của Nhà nước về PCCC. Tăng cường công tác PCCC bổ sung, củng cố các trang thiết bị PCCC.
Công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của các đơn vị. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; lực lượng PCCC và CNCH còn kiêm nhiệm chưa chuyên trách; kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH còn hạn chế, do đó việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Trong quá trình sửa chữa, xây mới các công trình tập trung bố trí, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC tại các đơn vị, thực hiện đầy đủ việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhằm đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kiến trúc có liên quan đến an toàn PCCC như: bậc chịu lửa của công trình; khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan; lối thoát nạn và các phương tiện về PCCC đảm bảo về số lượng, phù hợp với tính chất hoạt động. Có lối thoát nạn, phương tiện thoát nạn phù hợp cho bệnh nhân và người tàn tật, xây dựng và luyện tập phương án thoát nạn khi cháy xảy ra.
Không bố trí, sắp xếp hàng hóa và các chướng ngại vật trên lối thoát nạn, gần thiết bị tiêu thụ điện và không xếp hàng hóa dễ cháy ở chân cầu thang hoặc buồng gần cầu thang. Phải niêm yết nội quy, quy định an toàn về phòng cháy, biển cấm lửa và tiêu lệnh chữa cháy tại các khu vực. Trang bị đầy đủ phương tiện PCCC và thường xuyên kiểm tra bảo quản, bảo dưỡng phương tiện. Các lối thoát nạn trong và ngoài công trình như: hành lang, thang bộ, cửa đi… phải luôn thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát nạn. Trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn. Tại tầng để xe bố trí trong bệnh viện, cơ sở y tế khám, chữa bệnh phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng và đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC theo quy định… Tại các khu vực đặt máy biến áp, máy phát điện phải bố trí tại các phòng được ngăn cháy riêng biệt hoặc áp dụng các giải pháp chống tràn dầu, chống cháy lan khác. Trong các khu khám, chữa bệnh, khu kỹ thuật nghiệp vụ có các hệ thống vận hành dưới áp lực cao có nhiều nguy hiểm cháy nổ như: Hệ thống các trang thiết bị làm lạnh, kho lạnh, hệ thống khí oxy âm tường đến các giường bệnh trong quá trình vận hành sử dụng phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn.
Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kỹ năng, kiến thức, tầm quan trọng trong công tác PCCC tới toàn thể viên chức, người lao động, người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao hơn nữa ý thức về PCCC tại các đơn vị trong ngành. Tiếp tục kiểm tra đột xuất, định kỳ công tác PCCC tại các đơn vị, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi vi phạm quy định về PCCC. Người đứng đầu đơn vị và nhân viên y tế phải chấp hành nghiêm nội quy PCCC, tham gia các buổi tuyên truyền PCCC, các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được trang bị kiến thức và nâng cao ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Khen thưởng, động viên kịp thời cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, thực hiện tốt công tác PCCC.