Giữ sạch nguồn lợi thủy sản
Là một địa phương có dải bờ biển dài, tỉnh Bình Định hiện có khoảng 5.950 tàu cá, trong đó, khoảng 3.500 tàu hoạt động khai thác vùng biển xa bờ. Khai thác thủy sản là một trong các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh với sản lượng khai thác hằng năm khoảng trên 200.000 tấn, đóng góp vào phát triền kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu và giải quyết việc làm cho bà con ngư dân ven biển. Trung bình mỗi tàu cá có từ 6 – 8 thuyền viên. Cứ mỗi chuyến đi biển có thể cho thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/người.
Mặc dù vậy, vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đang dần trở thành thách thức đối với hoạt động thủy sản. Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, khảo sát cho thấy, bình quân trong 1 tháng có 300 tàu cá khai thác về cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Các tàu này đã xả thải ra đại dương hơn 4 tấn rác thải nhựa, gần 1 tấn lon nhôm và 1,75 tấn bao bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản. Thực tế này cho thấy, chúng ta không chỉ ngăn chặn rác nhựa thất thoát từ đất liền ra ngoài đại dương, mà còn phải ngăn chặn rác nhựa từ các tàu thuyền đánh bắt chở ra.
Với quan điểm xem rác là tài nguyên, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc hiện đang triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Cảng cá Quy Nhơn. Ban đầu, mô hình sẽ được áp dụng với 100 tàu cá 100 tàu cá thường xuyên ra, vào cảng cá Quy Nhơn và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan. Quá trình giảm nhựa dựa trên 3 mắt xích chính: quản lý rác thải tàu cá trên tàu cá; quản lý rác thải tàu cá tại cảng cá, quản lý rác thải tàu cá tại Cơ sở tái chế.
Đặc biệt, chính ông Vĩnh đã thiết kế một loại giỏ đựng rác nhựa, lon nhôm dành riêng cho tàu thuyền khi đi biển. Giỏ rác này rất gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích và thuận tiện cho ngư dân thu gom rác. Sau mỗi chuyến biển, họ sẽ mang tới bán cho cơ sở phế liệu. Giá trung bình 8.000 đồng/kg phế liệu.
Tại các cảng cá, lượng rác thải nhựa khoảng 15 – 20 kg/ngày. Nếu được thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế cùng với cơ chế thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá khi cập cảng sẽ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các công nhân vệ sinh cảng, các lao động tự do thu gom tại cảng. Đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng hình ảnh cảng cá xanh tại thành phố Quy Nhơn.
“Việc giảm rác thải nhựa cũng giúp tỉnh Bình Định bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng các loài thủy sản bị nhiễm bẩn do rác thải nhựa. Sản phẩm thủy sản vì thế sẽ hạn chế bị nhiễm nhựa, vi nhựa” – ông Vĩnh nhấn mạnh.
Nếu công tác triển khai đạt hiệu quả, mô hình dự kiến sẽ gúp giảm khoảng 60 tấn rác thải nhựa ra đại dương phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá, đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng ngư dân. Công tác thu hồi phế liệu sinh hoạt và trên các tàu cá tốt không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà còn làm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng có liên quan đến lĩnh vực thu hồi, tái chế phế liệu tại địa phương. Trước mắt, mô hình sẽ giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động phi chính thức tại cảng cá, tạo thu nhập bình quân khoảng 3,6 triệu đồng/lao động/tháng. Nhìn ra xa hơn, đó là tiềm năng nhân rộng cho hơn 3.000 tàu cá xa bờ của tỉnh và thậm chí là các địa phương ven biển khác.
Tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường biển
Tại tỉnh Quảng Bình, việc triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm nhựa cũng đang được các cấp quản lý quan tâm. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất thủy sản chủ yếu đến từ hoạt động khai thác thủy sản; ngư lưới cụ hư hỏng, thất thoát, trôi nổi trên biển; sản xuất nuôi trồng thủy sản ven biển.
Theo thông tin từ các chủ tàu cá xa bờ, mỗi năm lượng rác thải trên mỗi tàu bình quân khoảng từ 70 – 80 kg/tàu, do vậy lượng rác thải ước tính từ tàu cá khai thác xa bờ Quảng Bình khoảng 80 – 100 tấn/năm. Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch thực hiện giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình.
Để các chính sách đi vào thực tiễn, chính quyền địa phương đã vận động ngư dân ký cam kết, gắn bảng nội quy về giảm giảm rác thải nhựa. Các chủ tàu thuyền thực hiện ký cam kết thu gom rác từ biển vào bờ trong mỗi chuyến đi biển. Mỗi tàu thuyền sẽ được cấp phát 2 túi lưới đựng rác để ngư dân có thể đựng rác trên thuyền và sau đó mang về bờ.
Tại tỉnh Quảng Ninh, hoạt động chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo Quy chuẩn kỹ thuật của địa phương (QCĐP 08:2020/QN) đã bước đầu phát huy kết quả tích cực. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành QCKTĐP về vấn đề này. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung quản lý, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện sản xuất, cung ứng và chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn. Đồng thời, xử lý, di dời các trường hợp vi phạm nuôi trồng thủy sản trái phép, sắp xếp ổn định các vùng nuôi biển tập trung theo quy hoạch, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
Tính đến ngày 30/4/2023, trên địa bàn tỉnh có 16 đơn vị sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy. 90,4% diện tích nuôi trồng đã hoàn tất chuyển đổi. Đây có thể xem là hướng đi tích cực của tỉnh, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển. Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo cũng quy định chi tiết về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới. Việc quản lý chất thải nhựa của các địa phương đã góp phần thực thi một cách hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường biển, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc giảm rác thải nhựa từ các hoạt động phát triển kinh tế.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt mục tiêu thu gom 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% các khu bảo tồn biển không còn chất thải nhựa. Để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ chất thải nhựa tại các khu bảo tồn biển và cộng đồng ngư dân ven biển.
Theo TS. Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, (Bộ NN&PTNT), Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành thủy sản. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp, thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản…