“Thay vào đó, chúng ta sẽ tái chuyển tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm, từ đó cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng triệu người”, Tổng thống Tinubu nói thêm.
Đây là một động thái quyết liệt đối với một quốc gia mà trong nhiều thập kỷ qua, giá xăng luôn rẻ và trở thành cứu cánh cho hàng triệu người Nigeria gặp khó khăn về kinh tế. Trước đó, chính phủ cũng nhiều lần tìm cách bỏ trợ cấp nhiên liệu và nỗ lực cuối cùng được thực hiện vào năm 2012, song đề xuất đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Các cuộc biểu tình giận dữ, được gọi là “Chiếm lấy Nigeria”, đã nổ ra trong nhiều tuần sau khi Tổng thống Goodluck Jonathan cố gắng chấm dứt trợ cấp.
Ngay sau thông báo của Tổng thống Tinubu, người dân đã xếp hàng dài ngay lập tức bên ngoài các trạm xăng, với tâm lý tích trữ nhiên liệu trước khi giá xăng tăng.
Văn phòng của Tổng thống Tinubu sau đó đã phải đưa ra tuyên bố khẳng định việc hỗ trợ giá sẽ kết thúc vào ngày 30.6, nhưng điều này không ngăn được một số trạm bán xăng với giá cao hơn.
Công ty dầu mỏ nhà nước Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) ngày 30.5 xác nhận giá bán lẻ nhiên liệu đã được điều chỉnh nhưng không tiết lộ cụ thể giá mới.
Công ty giải thích điều này phản ánh “thực tế thị trường hiện tại”, đồng thời nói thêm cần lưu ý rằng giá sẽ tiếp tục dao động để phản ánh động lực của thị trường.
Tại các trạm bán lẻ của NNPC ở thủ đô Abuja, giá xăng đã được điều chỉnh từ 195 Naira/l lên 537 Naira, gần gấp ba lần so với giá cũ.
Quyết định chấm dứt trợ cấp nhiên liệu là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm bãi bỏ quy định đối với ngành dầu mỏ.
Trợ cấp nhiên liệu đã làm cạn kiệt tài chính công và nhiều ý kiến cho rằng chúng đã dẫn đến tình trạng lạm dụng và tham nhũng tràn lan.
Mặc dù từ lâu đã có những lời kêu gọi ngừng trợ cấp song Đại hội Lao động Nigeria (NLC), một tổ chức bảo trợ cho các công đoàn, cho biết họ vẫn cảm thấy không đồng tình trước quyết định của ông Tinubu và yêu cầu nhà lãnh đạo đảo ngược quyết định ngay lập tức.
“Với quyết định thiếu tế nhị, Tổng thống Tinubu trong ngày nhậm chức đã mang đến nước mắt và nỗi buồn cho hàng triệu người Nigeria thay vì hy vọng”, lãnh đạo nhóm Joe Ajaero cho biết trong một tuyên bố.
Nhà phân tích Sam Amadi, Giám đốc Viện Tư tưởng Chính trị và Xã hội Abuja, cho biết chính sách mới của chính phủ Nigeria sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho người dân nước này, đặc biệt là khi họ còn phải vật lộn với lạm phát tăng vọt và chi phí sinh hoạt cao.
“Chi phí đi lại sẽ tăng hơn 200%. Nhiều người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói, tình trạng bất ổn và tội phạm bạo lực có thể gia tăng, làm tổn hại đến triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn”, ông Amadi cho biết.
Mặc dù Amadi biết rằng trợ cấp nhiên liệu không bền vững nhưng việc chấm dứt một cách “đột ngột” mà không có dự phòng về những hậu quả kinh tế và xã hội là một động thái “liều lĩnh”.
Mặc dù là một quốc gia sản xuất dầu mỏ, Nigeria thiếu khả năng lọc dầu và chi hàng tỷ USD cho việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế hàng năm.
Nigeria cũng đang phải vật lộn với nợ chính phủ ngày càng tăng, mức lạm phát chưa từng thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao và phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ đang cạn kiệt.