ĐHQG TP HCM cho biết đề thi đánh giá năng lực được xây dựng theo cùng cách tiếp cận các đề thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Xét về cấu trúc, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tích hợp được các kỹ năng đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở đề thi SAT; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của đề thi TSA.
Cụ thể, đề thi đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh, như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực sáng 26-3
Tại điểm thi Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhiều thí sinh sau khi rời phòng thi cho biết đề thi nằm trong chương trình THPT nhưng có nhiều phần nội dung tập trung ở chương trình lớp 12 như các câu hỏi của môn toán. Để làm tốt bài thi, thí sinh phải có lượng kiến thức rộng cùng khả năng phân tích, tổng hợp tốt.
Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM có 120 câu hỏi, dài 16 trang; thí sinh làm trong thời gian 150 phút. Dạng câu hỏi của đề thi theo hình thức trắc nghiệm với 4 phương án lựa chọn. Điểm tối đa của bài thi là 1.200.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo – ĐHQG TP HCM, cho biết trong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, có 89.672 thí sinh đăng ký tham dự. Trong đó, khoảng 88.000 thí sinh dự thi – đạt tỉ lệ 98,2%.
Dự kiến, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 sẽ được ĐHQG TP HCM công bố vào ngày 4-4. Đợt thi thứ 2, thí sinh đăng ký tham dự từ ngày 5 đến 28-4, thi ngày 28-5 và công bố kết quả vào ngày 6-6.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm nay do ĐHQG TP HCM tổ chức được 87 trường ĐH, CĐ trong và ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng để xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh năm 2023.