Theo đó, trong các đợt cao điểm lễ, Tết, các cơ quan báo, đài đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp như: vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy… Những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, đồng thời nhắc nhở 1.402 hộ mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; kết hợp giữa xử lý và tuyên truyền trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa cho hơn 1.311 lượt người; tuyên truyền trực tiếp cho 118 chủ bến khách, 415 phương tiện thuỷ nội địa, 1.603 lượt người tham gia giao thông thuỷ.
Ðẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục về ATGT trong trường học, đến nay 100% các trường mẫu giáo, mầm non và phổ thông trong toàn tỉnh đều đã đưa nội dung giáo dục ATGT vào giảng dạy cho học sinh và tiếp tục lồng ghép, tích hợp giáo dục ATGT vào các môn học để giáo dục cho học sinh. Nhà trường quản lý rất chặt chẽ việc học sinh, học viên đi học bằng mô tô, xe gắn máy, phương tiện đường thuỷ.
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền về trật tự ATGT và những quy định có liên quan tại Trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem, huyện Thới Bình. |
Ngay từ đầu năm học, tất cả học sinh, học viên đều viết cam kết thực hiện đúng quy tắc ATGT; phụ huynh đưa đón con em cũng ý thức thực hiện văn hoá giao thông. Nhiều trường học đã tự đứng ra phân luồng giao thông trong giờ tan học, làm giảm tình trạng ùn tắc, gây mất trật tự trước cổng trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, trong công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tuyên truyền phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, từng lúc, từng nơi chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao (thanh thiếu niên; người dân tộc thiểu số; người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…). Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT của các huyện, thành phố còn chung chung, không có chương trình, kế hoạch, định hướng cụ thể. Phần lớn các địa phương không dành nhiều thời gian, kinh phí để phục vụ công tác tuyên truyền, đặc biệt là chưa quan tâm chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
Tình hình TTATGT quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về TNGT, Cà Mau là tỉnh có số người chết do TNGT ít nhất cả nước. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy tình hình TTATGT tỉnh ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Ðể tiếp tục phát huy kết quả đạt được, cũng như tiếp tục kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh, yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường các giải pháp bám sát với chức năng, nhiệm vụ cũng như tình hình thực tế của địa phương, tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền.
Theo đó, cần quan tâm giáo dục về trật tự ATGT; chú trọng hình thức tuyên truyền, giáo dục về ATGT phù hợp với từng đối tượng (nhất là học sinh, sinh viên), đặc điểm từng địa phương; lồng ghép hình ảnh, hậu quả, tác hại do TNGT gây ra; từng bước thay đổi thói quen tuỳ tiện, đối phó của người tham gia giao thông sang hành động tự giác chấp hành, hình thành và thực hiện tốt nếp sống “Văn hoá giao thông”.
“Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý./.
Văn Ðum