4 giờ chiều, An, chú gấu được vợ chồng diễn viên Tăng Thanh Hà nhận nuôi bắt đầu lững thững bước ra bãi cỏ xanh mướt phía bên ngoài chuồng. Trèo lên một chiếc xích đu cỡ lớn, cô gấu nhỏ bắt đầu thư thái ngồi, mắt lim dim nhìn về phía chúng tôi đang cố gắng chụp ảnh bên ngoài hàng rào điện.
An là chú gấu con đã được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ ngày 2/6/2022 từ tỉnh Điện Biên. Thoát khỏi tay những đối tượng săn bắn trái phép, cô gấu nhỏ đã được dời về chăm sóc tại Tam Đảo – Trung tâm Cứu hộ gấu lớn nhất Việt Nam.
Trung tâm Cứu hộ gấu LỚN NHẤT VIỆT NAM
Dự án xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đầu tư gần 3,4 triệu USD, được khởi công xây dựng từ năm 2006, sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận, phê duyệt.
Nằm giữa lòng thung lũng Chắt Dậu thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đây là một trong hai trung tâm có chức năng cứu hộ gấu lớn và tốt bậc nhất thế giới. Với diện tích khoảng 12ha, Trung tâm đã trở thành ngôi nhà bình yên của khoảng 200 cá thể gấu được đưa về từ khắp nơi trong cả nước.
Một chú gấu đang nghỉ ngơi trên xích đu của riêng mình tại Tam Đảo. (Ảnh: Sơn Bách) |
Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt với thiết kế thân thiện với môi trường, cảnh quan. Toàn bộ hệ thống chất thải của động vật được xử lý triệt để nhằm tránh tình trạng ô nhiễm cho Vườn quốc gia.
Các chuyên gia của trung tâm chia sẻ, hầu hết các cá thể sống tại đây đều được cứu thoát từ các trang trại nuôi hút mật để phục vụ cho lợi ích của con người. Ở các trang trại, chúng bị nhốt nhiều năm trong lồng sắt, bị đánh thuốc mê rồi liên tục “vắt kiệt” mật theo chu kỳ khoảng 20 ngày/lần.
Trong 2 năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động cứu hộ được 14 con gấu.
Tại Hà Nội, riêng huyện Phúc Thọ còn 116 gấu nuôi nhốt và các cơ quan chức năng vẫn triển khai vận động, kiểm tra định kỳ thường xuyên tới các hộ nuôi gấu.
Dẫn chúng tôi ra thăm dãy 3 chiếc container được để ngay gần trung tâm điều hành, chị Chi, một nhân viên đã gắn bó với trung tâm nhiều năm cho biết, đây chính là nơi nuôi nhốt trái phép 19 cá thể gấu trong vụ giải cứu năm 2010 tại Bình Dương.
“Giữa trời nắng 35-40 độ C, mỗi container chật hẹp được chia làm 6-7 ngăn, mỗi ngăn nhốt 1 cá thể gấu. Tất cả đều bị săn bắt trong tự nhiên, trong đó có 1 cá thể bị mù, 2 cá thể khác bị cụt chân”, người dẫn đường nhớ lại.
Những chiếc container vốn là “nhà tù của gấu” được giữ lại như công cụ giáo dục trực quan ghi lại sự tàn ác của một số người với gấu. (Ảnh: Sơn Bách) |
Sau khi trải qua 1.500km để được đưa về trung tâm, một số cá thể gấu đã có dấu hiệu hoảng loạn kéo dài như đứng đung đưa toàn thân liên tục hàng tiếng đồng hồ không nghỉ. Cho tới tận lúc này, “lồng giam gấu” vẫn được lưu lại như chứng tích về sự tàn bạo khủng khiếp mà một số người đã nhẫn tâm thực hiện.
“Hiện nay, theo thống kê, cả nước còn khoảng 400 cá thể gấu nuôi. Chúng tôi cam kết sẽ cứu hộ tới cá thể cuối cùng, với phương châm: Không để bất cứ chú gấu nào bị bỏ rơi phía sau. Một tín hiệu đáng mừng là sau 6 năm liên tục tuyên truyền, vận động, tới nay đã có nhiều trang trại/cá nhân tự nguyện trao trả gấu. 80% số gấu cứu hộ tại trung tâm đang thuộc dạng này”, đại diện Trung tâm nhấn mạnh.
THIÊN ĐƯỜNG CỦA GẤU
Theo số liệu thống kê, tính tới thời điểm tháng 6/2023, trong Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đang chăm sóc khoảng 200 cá thể gấu. Mỗi ngày, chúng được các nhân viên trong trung tâm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ.
“Sau khi được về nhà, gấu sẽ được theo dõi riêng tại khu vực cách ly trước khi có cơ hội làm quen với khu bán hoang dã để tái thiết lập lại thói quen sống bầy đàn”, chị Chi chia sẻ tiếp.
Một chú gấu được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). (Ảnh: Sơn Bách) |
Khu bán hoang dã cũng là khu vực đẹp nhất tại trung tâm với nhiều dãy nhà có chuồng nuôi đặt giữa khuôn viên rộng rãi. Tại đây, các chuyên gia bảo tồn xây dựng đầy đủ từ thảm cỏ, hồ, núi, hang, thậm chí còn bố trí xích đu, cầu, ván gỗ… để làm đồ chơi cho gấu.
Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam có gần 30.000m2 không gian bán hoang dã ngoài trời được thiết kế và trang bị nhằm khuyến khích các hành vi tự nhiên của gấu. Ngoài ra, có 5 khu nhà gấu đôi trong đó mỗi nhà có hai dãy buồng ở cho gấu có cửa mở ra khu bán hoang dã ngoài trời với bể bơi, cây xanh và các cấu trúc để giúp gấu phục hồi bản năng.
Bên cạnh đó, trung tâm còn có hai nhà gấu không có khu bán hoang dã, khu chăm sóc gấu đặc biệt, và khu cách ly tạm thời có mái che cho các cá thể gấu mới được cứu hộ về. Để bảo đảm an toàn, bao quanh khu “nhà gấu” có 2 lớp hàng rào: Bên ngoài là lưới thép cao hơn 2m, bên trong là hệ thống dây điện 1 pha.
Để bảo đảm an toàn, bao quanh khu “nhà gấu” có 2 lớp hàng rào: Bên ngoài là lưới thép cao hơn 2m, bên trong là hệ thống dây điện 1 pha. |
Ngày ngày, các nhân viên sẽ đem thức ăn đặt vào trong ống tre, hộp nhựa hoặc giấu dưới suối, dưới đất đá, hay treo lên cao để kích thích các cá thể gấu tự đi kiếm tìm, qua đó hỗ trợ chúng lấy lại bản năng vốn có.
“Thực đơn của gấu được thay đổi liên tục theo nguyên tắc không lặp lại. Chúng tôi cho các ‘bạn’ ăn rau củ quả, nước đá ướp mật ong, yến mạch, sữa chua, thậm chí cả kem làm riêng cho gấu”, vừa giải thích, nữ nhân viên vừa mở thùng lạnh, mang ra những chiếc kem khổng lồ được làm bằng âu đựng nước cho chúng tôi xem.
Những chú gấu tại Trung tâm được sở hữu những món đồ chơi độc đáo bằng gỗ, tre và nhựa như thế này. (Ảnh: Sơn Bách) |
Chị Chi cho biết thêm, trung bình 2 năm, các cá thể gấu tại trung tâm sẽ được khám sức khỏe định kỳ 1 lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chăm sóc, các nhân viên cũng đã ghi chép lại tình hình sức khỏe của từng cá thể. Trong trường hợp có biểu hiện bất thường sẽ báo cáo lên tổ chuyên gia để kịp thời xử lý.
“Những chú gấu ở đây rất đáng thương khi bị ảnh hưởng nặng nề vì tâm lý do đã phải chịu cảnh nuôi nhốt quá lâu. Có chú bị cụt chân, mù hai mắt. Trung tâm chúng tôi cam kết sẽ nuôi dưỡng các cá thể đặc biệt này tới tận cuối đời”, chị Chi nói.
“Mãi trong tim chúng tôi, chú gấu dũng cảm”. Tấm bia mộ dành cho gấu Shanti tại Nghĩa địa gấu Tam Đảo. (Ảnh: Sơn Bách) |
Đặc biệt, ngoài việc được chăm sóc, những cá thể gấu tại Trung tâm thậm chí còn có khu vực an nghỉ riêng. Một khu đất riêng nằm bên kia thung lũng được dành để chôn cất những chú gấu không may qua đời. Ben, là chú gấu đầu tiên được an táng tại đây. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn khu đã có khoảng hơn 50 “ngôi mộ gấu”.
Chiều muộn đầu tháng 6, từ các khu chuồng, những chú gấu đều đã tràn ra sân chơi. Những âu lo trước kia dường như đã không còn nữa. Một cuộc sống mới bình yên hơn với gấu tại thiên đường Tam Đảo đã và đang bắt đầu!
Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 sắp đi vào hoạt động
Theo thông tin mới nhất, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ có thể đi vào hoạt động vào cuối tháng 6 tới. Đây là trung tâm do Tổ chức Động vật châu Á viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD (tương đương 242,5 tỷ đồng), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Với quy mô hơn 12ha, Trung tâm sẽ cứu hộ, chăm sóc hơn 300 cá thể gấu được tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm. Dự kiến, tháng 8/2023, chú gấu đầu tiên được đưa về “nhà mới” tại Bạch Mã.
Nhandan.vn