Hàng chục nghìn ha cây trồng đang héo hon trong nắng hạn, hàng nghìn hộ dân đang hằng ngày vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhưng xem ra ông trời vẫn chưa thấu nỗi nhọc nhằn của người dân nơi đây.
Chưa bao giờ, tình trạng hạn hán lại khốc liệt như năm nay! Mặc dù, một số địa phương trong tỉnh đã có mưa dông, nhưng tại các huyện vùng cao như Mường Khương, Si Ma Cai, từ đầu năm đến nay trời gần như không có mưa. Vì vậy, hàng chục nghìn ha cây trồng đang héo hon trong nắng hạn, hàng nghìn hộ dân đang hằng ngày vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Xã Tả Gia Khâu – “Trường Sa cạn” của huyện Mường Khương những ngày này tiếp tục oằn mình với thời tiết nắng hạn. Ở bất cứ khe nước nào trên địa bàn, dù nhỏ nhất cũng đều bắt gặp cảnh người dân cần mẫn dùng can nhựa đứng hàng giờ hứng nước về sinh hoạt. Anh Sùng Seo Chư ở thôn Tả Gia Khâu, nơi “khát” nhất của xã Tả Gia Khâu cho biết, hằng ngày anh và nhiều người phải đi xa vài cây số chở nước về sinh hoạt, cá biệt một số hộ khó khăn không có xe máy phải xách tay rất vất vả. “Nguồn nước tích trữ trong bể trên địa bàn đều đã cạn, thậm chí không còn nước để lấy. Nếu tiếp tục nắng hạn chúng tôi cũng chưa biết lấy nước từ đâu để phục vụ cuộc sống thường ngày”, anh Chư lo lắng.
Trong tháng 5/2023, chính quyền xã Tả Gia Khâu đã đề nghị Công an tỉnh sử dụng ô tô chuyên dụng hỗ trợ chở nước sạch lên bơm vào bể chứa của các trường học trên địa bàn xã để phục vụ sinh hoạt cho thầy và trò dịp cuối năm học. “Vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa, trong khi lượng bể tích trữ nước cho sinh hoạt còn hạn chế, nên chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân, đơn vị nhà trường sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện các biện pháp lấy nước hợp lý để chia sẻ, đảm bảo hài hòa nguồn nước giữa các thôn, ưu tiên phục vụ nhu cầu thiết yếu về nước sinh hoạt cho nhân dân. Cùng với đó, khẩn trương vệ sinh các dụng cụ chứa nước sẵn sàng tích nước khi có mưa”, ông Hoàng Sảo Chấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho hay.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mường Khương có gần 100 công trình cấp nước sinh hoạt bị cạn kiệt nguồn nước. Còn các bể trữ nước ở các xã: Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Pha Long, Tả Ngải Chồ đều đang trong tình trạng dưới mực nước chết hoặc cạn kiệt.
Hạn hán còn làm hàng chục nghìn ha cây lương thực như lúa, ngô của người dân vùng cao Lào Cai trước nguy cơ mất trắng hoặc năng suất thấp. Nhìn khu ruộng đã cấy lúa mùa của gia đình nứt toác vì nắng hạn, những cây lúa cao không quá gang tay đang héo khô trong nắng, anh Cư A Lử ở thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai không khỏi xót xa và lo lắng.
“Lúa đã cấy hơn 2 tháng rồi, nhưng nắng hạn quá, khiến ruộng khô nứt nẻ, nên cây lúa vẫn chưa thể phát triển rễ và chưa đẻ nhánh. Tính ra, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhưng tình trạng này chắc sẽ không có gì để thu. Một số diện tích đã làm đất, nhưng khô quá không thể cấy, nên mạ nhổ lên tôi đành phải để khô rồi bỏ đi”, anh Lử than thở.
Không chỉ có gia đình anh Lử, mà cả cánh đồng rộng vài chục ha ở thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu đều chung số phận. Nền ruộng khô nứt nẻ mà mưa vẫn chưa chịu về. Những nhánh mạ cấy xuống hôm nào nay vẫn nguyên thế, một số bắt đầu chuyển héo vàng. Với những diện tích không thể cấy tiếp, nhiều hộ đã tính đến chuyện chuyển trồng cây khác, nhưng cũng không phải dễ, bởi chọn cây gì cho phù hợp với tình trạng hạn hán và khung thời vụ.
Qua thống kê, huyện Si Ma Cai có 400 ha/1.800 ha lúa; trên 330 ha ngô và hơn 91 ha quế bị thiệt hại do nắng hạn (trong đó hơn 219 ha ngô thiệt hại ở mức trên 70%). Đối với cây ăn quả, cây dược liệu, cây gia vị (tổng diện tích khoảng 1.500 ha) bị thiệt hại chưa thể đo đếm, ước tính sản lượng sẽ giảm trên 70% so với năm 2022.
Ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết, trước tình trạng hạn hán kéo dài, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chống hạn; lập kế hoạch sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn người dân phương án chuyển đổi cây trồng (dự kiến hơn 300 ha lúa phải chuyển đổi sang cây trồng cạn); dừng sản xuất đối với diện tích không đảm bảo đủ nước tưới; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp.
Hạn hán đã gây nhiều thiệt hại ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh với các mức nặng nhẹ khác nhau. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, từ đầu năm 2023 đến nay, hạn hán đã làm khoảng 938 ha cây trồng trong tỉnh bị chết hoặc không được thu hoạch; hơn 3.660 ha cây trồng giảm năng suất do thiếu nước. Trong đó, diện tích lúa xuân bị lép hạt tỷ lệ trên 70% là 71 ha, diện tích ngô không ra bắp và lép hạt là 867 ha. Hạn hán cũng đã làm hơn 9.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, lượng mưa rất thấp, khiến nguồn nước cạn kiệt làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người dân và nhiều ha cây trồng cùng đàn vật nuôi.
Dự báo, thời gian tới nắng nóng sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, thiệt hại về cây trồng và khó khăn người dân đang phải gánh chịu sẽ chưa dừng lại. Hậu quả khốc liệt do hạn hán gây ra càng cho chúng ta ý thức sâu sắc hơn ý nghĩa của công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng để giữ nguồn nước. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần có phương án xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa, bể chứa ở những vùng nguy cơ cao xảy ra hạn hán. Người dân cần sử dụng nguồn nước một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng thực hiện các phương án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.