(CTO) – Nhiều trẻ than với cha mẹ, mắt thường xuyên mỏi, rát, cộm xốn, khiến trẻ dụi mắt liên tục. Hoặc vào buổi chạng vạng tối, ở môi trường thiếu ánh sáng, trẻ giảm thị lực, nhìn kém, hay té ngã… Ngoài ra, trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, chậm tăng cân, da khô rát, tóc dễ gãy… Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, những trường hợp trên cảnh báo sức khỏe mắt, liên quan đến tình trạng dinh dưỡng và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, trẻ gặp những triệu chứng trên, có thể đang bị thiếu hụt vitamin A. Ngoài vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình thường của trẻ, vitamin A còn tham gia trực tiếp vào các phản ứng ở tế bào que và nón ở võng mạc. Vitamin A cũng là thành phần cấu tạo và giúp màn nước mắt dính được vào bề mặt giác mạc. Nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ mắc nhiều bệnh liên quan đến mắt như khô mắt, lâu ngày có thể gây viêm kết mạc hoặc giác mạc.
Hai nhóm nguyên nhân chính gây bệnh gồm chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin A và các bệnh lý toàn thân khác. Trẻ thường có thói quen ăn ít rau củ quả, ăn vặt nhiều; bữa ăn chính thiếu nguồn thực phẩm giàu vitamin A như gan, trứng, sữa, dầu cá, đu đủ, xoài chín, gấc, cà rốt, khoai lang, các loại rau xanh đậm màu…
Vitamin A tan trong dầu, mỡ, vì thế, bữa ăn không có dầu, mỡ là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A. Các bệnh lý toàn thân khác ở các nhóm đặc biệt: Trẻ hấp thụ kém, mắc bệnh tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nước, thường thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết trong đó có vitamin A. Trẻ có tiền sử suy gan hay tắc mật, trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn khác như sởi, lỵ… kéo dài, nhóm trẻ sinh non, thiếu cân, thiếu tháng, suy dinh dưỡng… cũng gây thiếu vitamin A. Thiếu hay thừa vitamin A đều không tốt cho đôi mắt và sự phát triển toàn diện của con trẻ.
Bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ thăm khám mắt cho trẻ. Ảnh do BV cung cấp.
THU SƯƠNG