HAI TRƯỜNG PHÁI TÁC CHIẾN CỦA NGA VÀ UKRAINE TRONG HƠN 1 NĂM XUNG ĐỘT
Cuộc chiến kéo dài hơn một năm giữa Nga và Ukraine cho thấy 2 trường phái tác chiến khác nhau giữa 2 nước, dựa vào tiềm lực kinh tế, quân sự và tính toán của mỗi bên.
Kể từ khi bùng phát vào ngày 24/2/2022, chiến sự Nga – Ukraine đã trải qua những diễn biến khốc liệt, liên tục leo thang chưa có hồi kết. Các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để thống nhất phương án nhằm đàm phán để khép lại cuộc chiến hao người, tốn của.
Chuyên gia Lawrence Freedman, giáo sư trường King’s College London (Anh) nhận định rằng, sau hơn một năm xung đột, dù 2 bên đã nhiều lần đổi chiến thuật trong các trận đánh, nhưng tựu chung lại, có 2 trường phái chính trong cách đánh của Nga và Ukraine.
Theo ông Freedman, nếu Nga chọn chiến lược tác chiến tổng lực thì Ukraine lựa chọn chiến lược tác chiến kiểu cổ điển.
Chiến lược tác chiến tổng lực
Ngay từ ngày đầu khi chiến sự nổ ra, Nga đã tính toán tới việc sử dụng cách đánh nhanh, thắng nhanh để gây bất ngờ cho Ukraine. Nga đưa quân, khí tài với số lượng lớn, chia làm nhiều hướng tấn công vào các khu vực ở Ukraine. Một lực lượng hùng hậu được đưa tới vây bọc thủ đô Kiev nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, trước đà kháng cự quyết liệt của đối thủ ở Kiev, Nga không thể hoàn thành được mục tiêu và đã quyết định thu hẹp chiến dịch quân sự về khu vực Donbass. Tại đây, Nga sử dụng chiến thuật “mưa hỏa lực” tập kích ồ ạt, áp đảo Ukraine ở nhiều khu vực và giành được quyền kiểm soát một số khu vực chiến lược.
Sau khi Ukraine phản công thành công ở Kharkov và Kherson, Nga gia tăng sử dụng chiến thuật tập kích tên lửa, máy bay không người lái vào các cơ sở hạ tầng chủ chốt của Ukraine. Chiến thuật hiện tại của Nga tập trung vào việc gây áp lực tổng thể lên toàn bộ Ukraine từ kinh tế, quân sự cho tới tâm lý chiến với người dân và ban lãnh đạo Kiev, theo ông Freedman.
Từ sau khi chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh của Nga bất thành và Ukraine đang nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng từ phương Tây, Moscow dường như đã chọn phương án duy trì một cuộc chiến có tính chất tiêu hao.
Về góc độ kinh tế, Nga đã kiểm soát hoàn toàn đường ra biển Azov của Ukraine, kiểm soát một phần Biển Đen khiến hoạt động giao thương của Kiev bị ảnh hưởng. Nga cũng đang kiểm soát nhiều trung tâm công nghiệp của Ukraine ở Donbass, diễn biến tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của phía Kiev. Việc Nga tập kích trên diện rộng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ ở nhiều khu vực, đồng thời khiến năng lực sản xuất quốc phòng của Kiev suy giảm đáng kể.
Nhìn chung, Nga hiểu rằng, Ukraine đang phụ thuộc lớn vào phương Tây để duy trì sức mạnh quân sự và tiếp sức về kinh tế cho Kiev. Tuy nhiên, Nga dường như nhận định, sự hỗ trợ này cũng có thể sẽ chạm tới giới hạn. Một số quốc gia NATO đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt kho vũ khí trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt hàng loạt thách thức sau khi chưa có thời gian để phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng như phải ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm qua.
Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi, phương Tây liệu có thể viện trợ cho Ukraine trong bao lâu và liệu họ có thể giữ được cường độ hỗ trợ hay nó sẽ giảm dần trong thời gian tới. Với tình hình viện trợ khó khăn hơn, Ukraine có thể sẽ gặp thách thức trong việc tích lũy đủ tiềm lực để phản công trên quy mô lớn.
Theo giới quan sát, việc bắt đầu một cuộc chiến sẽ dễ hơn là kết thúc nó. Chiến sự đã kéo dài hơn một năm qua và Nga đã dồn nhiều nguồn lực vào cuộc giao tranh này, vì vậy họ có thể sẽ không muốn một kịch bản bất lợi. Chính vì vậy, Nga được dự đoán sẽ tiếp tục gây áp lực tổng lực lên Ukraine về mặt quân sự, kinh tế trong thời gian tới vì trên thực tế họ vẫn áp đảo trước đối thủ về tiềm lực dù đã chịu không ít thiệt hại trong hơn một năm qua.
Mặt khác, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Mark Cancian nhận định, Ukraine có thể sắp mở chiến dịch phản công Nga để chứng minh với NATO rằng chiến sự vượt qua bế tắc.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, cả Nga và Ukraine dường như đã tương đối thận trọng trong việc tiến hành các chiến dịch tấn công. Không có nhiều thay đổi trên tiền tuyến được ghi nhận, diễn biến khiến một số nhà quan sát cho rằng 2 bên đều tương đối bế tắc trong việc thay đổi cục diện chiến sự.
Theo ông Cancian, Ukraine dường như đang phải chịu áp lực phải đạt được thành tựu nào đó trên chiến trường, nhằm chứng minh cho phương Tây rằng việc NATO liên tục cấp vũ khí có thể giúp Kiev giành được lợi thế trước Nga. Nó có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phương Tây thời gian qua đã xuất hiện những chia rẽ trong quan điểm về lượng vũ khí viện trợ cũng như năng lực viện trợ của họ sẽ kéo dài trong bao lâu khi một số quốc gia đã có dấu hiệu cạn kiệt khí tài quân sự.
Nếu cuộc chiến kéo dài hơn nữa, kéo theo tâm lý mệt mỏi về chiến sự, việc giao tranh bế tắc trong vài tháng, thậm chí vài năm, có thể khiến sự ủng hộ cho Ukraine suy giảm. “Vì vậy, đạt được thành tựu trên chiến trường là nhiệm vụ quan trọng với Ukraine”, chuyên gia Mỹ nhận định.
Trong khi đó, giáo sư Barry R. Posen từ Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ dự đoán, trong năm thứ 2 này, Nga sẽ tập trung giữ vững các lãnh thổ đang kiểm soát, dựng thêm phòng tuyến để ngăn Ukraine phản công. Điều này có thể sẽ khiến áp lực gia tăng lên Ukraine trong thời gian tới khi phải cố gắng xuyên phòng tuyến của Nga để phản công. Trong khi đó, Nga có thể tiếp tục tập kích cơ sở hạ tầng đối thủ nhằm khiến Kiev lung lay tinh thần.
Chiến lược tác chiến cổ điển
Theo ông Freedman, khác với cách đánh tổng lực của Nga, Ukraine nghiêng nhiều về cách tác chiến cổ điển khi họ hầu như phòng thủ trước đà tiến của Nga trong suốt hơn một năm qua và chờ thời cơ để phản công nhanh. Dù Ukraine đã phản công thành công và giành lại diện tích lớn lãnh thổ từ đối thủ, nhưng nhìn chung Ukraine không đủ vũ khí để vươn tới lãnh thổ Nga, mà chủ yếu chỉ tấn công vào mục tiêu quân sự của đối thủ để ngăn đà tiến của Moscow.
Cách tiếp cận của Ukraine tập trung vào trận đánh trên thực địa. Chiến lược này hướng tới việc đưa quân đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu để ứng phó với đối thủ. Theo đó, chiến thắng được quyết định bởi các yếu tố như đội quân nào kiểm soát trận địa, lãnh thổ, số lượng binh sĩ đối thủ thiệt mạng hoặc bị bắt, số lượng thiết bị đối thủ bị phá hủy. Với cách tiếp cận này, các trận đánh sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến.
Theo Foreign Policy, Ukraine phải chủ trương cách đánh này vì thực tế là họ có tiềm lực yếu hơn Nga về cả vũ khí, tiềm năng kinh tế. Ukraine phải dựa vào phương Tây để gây áp lực lên Nga thông qua hơn 11.000 lệnh trừng phạt trong hơn một năm qua. Ukraine cũng phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây để chặn đứng các mũi tiến công của Nga.
Do không được phương Tây viện trợ vũ khí tấn công tầm xa và số lượng cũng có hạn, Ukraine không thể tiến công ồ ạt như Moscow mà phải chọn cách đánh chọn lọc vào mục tiêu quân sự quan trọng của Nga. Ukraine có thể đánh như vậy cũng là vì họ có lợi thế từ việc có thể tiếp cận nguồn tin tình báo của phương Tây thông qua hệ thống vệ tinh, vũ khí do thám của NATO. Từ các thông tin này, Ukraine thực hiện cách đánh bất đối xứng để đối phó với một đối thủ mạnh hơn họ rất nhiều về tiềm lực như Nga và đã làm đối thủ gặp không ít khó khăn trong hơn một năm qua.
Ngoài ra, chiến thuật tác chiến bất đối xứng còn được thể hiện qua cách đánh của Ukraine qua từng trận chiến. Ví dụ, chuyên gia quân sự Phillips O’Brien tại Đại học St. Andrews, Scotland nhận định, thành công trong việc phản công của Ukraine trong vài tháng qua nằm ở chiến thuật “né mạnh, đánh yếu”. Chiến thuật này nghiêng về việc tránh đối phó trực diện với thế mạnh của đối thủ, thay vào đó là tìm điểm yếu để khai thác và tấn công.
Ví dụ, trong đợt phản công ở Kharkov hồi tháng 9 năm ngoái, Ukraine nhận thấy Nga đang phải kéo căng đội hình để gìn giữ thành quả kéo dài từ Kharkov xuống Kherson. Ukraine tuyên bố sẽ phản công lớn ở Kherson – khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Nga vì nằm sát bán đảo Crimea. Điều này khiến cho Nga dồn quân xuống Kherson và để lộ điểm yếu ở Kharkov. Ukraine lúc này dồn quân đến Kharkov và phản công chớp nhoáng để giành lại hàng loạt khu vực chiến lược.
Rõ ràng, nếu Ukraine chọn cách đánh mạnh ở Kherson, họ chưa chắc đã giành lại được khu vực này và không thể đạt thành tựu lớn ở Kharkov. Nó cũng cho thấy, các trận đánh của Ukraine có thể là riêng lẻ, nhưng trên thực tế nó là một chiến thuật tổng thể, có tính bao quát cao.
Tại cuộc phản công ở Kherson diễn ra sau đó, Ukraine tiếp tục tập trung vào điểm yếu của Nga. Thay vì đối đầu với hỏa lực dữ dội của Nga ở miền Đông, Ukraine đưa khí tài quan trọng hàng đầu với họ là HIMARS xuống Kherson vì họ hiểu “trái tim” của tác chiến là hậu cần và tiếp tế. Trong cuộc giao tranh có tính chất tiêu hao, cuộc đua sức bền về tiếp tế vũ khí, nhu yếu phẩm sẽ có vai trò thiết yếu có thể xoay chuyển tình hình.
Nga phải rút quân khỏi thành phố Kherson sau khi bị Ukraine dùng hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS phá hủy hàng loạt tuyến hậu cần quan trọng khiến Moscow không còn khả năng chi viện cho hàng chục nghìn quân.
Việc “bào mòn” năng lực tiếp viện của Nga một cách từ từ khiến cho Moscow cuối cùng quyết định phải rút quân và Ukraine gần như không tốn quá nhiều sức để tấn công. Trong cuộc chiến có tính bất đối xứng, trước đối thủ vượt trội như Nga, Ukraine không có quá nhiều phương án để tác chiến.
Mặt khác, dù Nga và Ukraine đều là quốc gia Liên Xô cũ và chiến thuật quân sự của 2 bên có sự tương đồng nhất định với nhau, nhưng trong nhiều năm qua, Kiev đã có xu hướng nghiêng về phương Tây. Từ năm 2014, Ukraine đã tiến hành một cuộc cải cách quy mô lớn. Giờ đây, các hệ thống vũ khí, chiến thuật quân sự của Ukraine đã bị ảnh hưởng ít nhiều từ NATO. Bằng chứng là, cách tác chiến của quân đội Ukraine trong năm 2022-2023 đã khác biệt rõ rệt với quân đội Ukraine vào năm 2014. Điều này cho thấy Ukraine vẫn đang nỗ lực trong việc cải tổ để nâng cao sức mạnh quân sự hướng tới việc đạt được những bước đột phá trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Freedman, trong thời gian tới, Nga dường như sẽ vẫn kiên trì theo đuổi cuộc chiến tiêu hao để gây áp lực tổng thể cho Ukraine tới khi Kiev phải nhượng bộ ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này trong thời gian qua chưa đạt được những thành công như kỳ vọng. Ukraine vẫn đang thể hiện quyết tâm phản kháng cao, kiên trì theo đuổi mục tiêu giành lại lãnh thổ từ Nga. Với chiến thuật của Nga nhằm gây áp lực cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng chủ chốt của Ukraine, Kiev vẫn đang thể hiện rằng họ sẽ không chịu khuất phục.
Ngoài ra, những thành công của Ukraine trong việc chặn đà tiến của Nga ở Kiev, phản công Nga ở Kherson và Kharkov dường như đã chứng minh cho phương Tây thấy rằng, Kiev có thể vượt qua nghịch cảnh và giành được ưu thế trước đối thủ mạnh hơn nếu NATO tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế.
Mặt khác, dù NATO đối mặt với những khó khăn trong việc viện trợ Ukraine ở giai đoạn kế tiếp, khối liên minh này trên thực tế vẫn đang hướng tới việc mở rộng tới sát Nga hơn nữa. Nga hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215km với các quốc gia thành viên NATO. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km. Việc NATO mở rộng hiện diện ở cửa ngõ khiến Nga bất an, bởi từ lâu Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước này. Ukraine có thể hy vọng vào việc họ đạt được bước tiến đáng kể trên chiến trường và áp lực từ phương Tây lên Nga sẽ khiến cho Kiev đạt được lợi thế trước Moscow trên bàn đàm phán trong tương lai.
Đức Hoàng
Theo Foreign Policy, Wall Street Journal, The Conversation
27/03/2023