Trong tập 37 của chương trình The Khang Show, Nguyên Khang có dịp mời hai nghệ sĩ gạo cội Thành Hội và Ái Như đến gặp gỡ khán giả. Họ cởi mở chia sẻ những khó khăn trong ngày đầu theo đuổi nghiệp diễn, chuyện buồn – vui khi chèo lái con thuyền sân khấu giữa bối cảnh nhiều loại hình giải trí khác đang lần lượt chiếm lĩnh thị trường.
Mở đầu chương trình, host Nguyên Khang gợi mở câu chuyện bằng hình ảnh cánh chuồn chuồn – biểu tượng của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nghệ sĩ Thành Hội cho biết, ban đầu, anh và Ái Như lấy bút danh Hoàng Thái Thanh khi viết kịch bản. Sau đó, họ dùng đặt thành tên cho sân khấu và duy trì đến tận bây giờ.
Những ngày đầu, sân khấu được đặt ở địa chỉ Lê Quý Đôn trong suốt ba năm cho đến khi buộc di dời đến địa điểm khác. Nghệ sĩ Thành Hội cho biết, ông và Ái Như đã đi khắp các sân khấu lớn nhỏ ở TP HCM để tìm cơ sở mới. Họ trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng như không còn chút hy vọng, thì đột nhiên nhận được cuộc gọi từ ban quản lý Nhà Thiếu nhi quận 10.
“Chúng tôi chưa từng quen biết hay liên hệ đến họ trước đó. Khi họ mời tôi về, tòa nhà còn đang xây dựng ngổn ngang. Thậm chí, họ còn nhờ cố vấn thiết kế sân khấu sao cho đúng ý chúng tôi”, nghệ sĩ Thành Hội bày tỏ. Theo nghệ sĩ, hai sân khấu mà Hoàng Thái Thanh từng đặt cơ sở, với ông, đều tình sâu nghĩa nặng. Nhưng riêng Nhà Thiếu nhi Quận 10 thì bao bọc ông cùng các cộng sự chín năm qua nên tình cảm rất lớn.
Khi sang địa điểm mới, bộ đôi Thành Hội – Ái Như đối mặt khó khăn khi phải “làm lại từ đầu”. Khán giả dường như đã gắn bó với cơ sở cũ, không ai biết đến sân khấu tại Nhà Thiếu nhi quận 10. Phải mất một thời gian, bộ đôi nghệ sĩ vừa dàn dựng các vở diễn một cách bền bỉ, vừa kết nối các hoạt động bên ngoài, mới hình thành thói quen cho những khán giả cũ và kéo thêm khán giả mới đến sân khấu.
Trước bối cảnh thị trường giải trí nhiều biến động, Thành Hội bày tỏ, có lúc anh thấy nản. Anh hiểu kịch xếp sau nhiều loại hình nghệ thuật khác và làm kịch thì xác định không có lãi rủng rỉnh. Nhưng nghệ sĩ tin rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời và làm điều gì để giúp ích cho mình, cho người thì đều xứng đáng.
Không chỉ nổi tiếng với những vở kịch phê phán, lột tả hiện thực xã hội, sân khấu Hoàng Thái Thanh còn được biết đến là cái nôi của những tác phẩm chữa lành. “Có khán giả từng nói hai lần muốn tự tử nhưng sau khi xem kịch Hoàng Thái Thanh, tâm hồn bạn ấy đã sống lại. Điều đó cho thấy rằng 12 năm qua, tôi đã làm một điều không vô nghĩa”, nghệ sĩ bày tỏ.
Thành Hội cho biết, sau 40 năm đứng trên sân khấu, ông tích lũy khối kinh nghiệm khổng lồ và muốn truyền đạt để đàn em không còn mò mẫm khi theo đuổi nghệ thuật như thế hệ của ông xã từng.
“Vì suy nghĩ ấy mà tôi quyết định đi dạy, nhưng tôi dạy rất khó. Những kinh nghiệm đánh đổi bằng xương máu, tôi không thể mang cho những người đến với tôi một cách hời hợt”, Thành Hội nói.
Mất 13 năm gầy dựng Hoàng Thái Thanh, đến nay, nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như vẫn trăn trở tìm người tiếp nối giấc mơ duy trì sân khấu. Theo Ái Như, lâu nay, Hoàng Thái Thanh hoạt động không lời lãi nên bà và cộng sự phải bỏ tiền túi bù đắp. Bà cảm thấy khó khăn khi tìm được một ai đủ tâm huyết, chấp nhận chuyện kinh doanh mà lợi nhuận chỉ được đo đếm bằng tình cảm của khán giả.
Tuy vậy, cả Thành Hội và Ái Như không cho đó là áp lực. Họ quyết định đi đến cuối cuộc hành trình và chừng nào không đủ sức sẽ dừng lại. “Với chúng tôi, ngày nào Hoàng Thái Thanh còn diễn – đó là một ngày vui”, Thành Hội khẳng định.
An Nguyên
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo