Xác định phát triển kinh tế là đòn bẩy để xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nên xã Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn coi trọng phát triển các ngành nghề nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhờ đó, từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, đến nay xã Phú Lộc là địa phương dẫn đầu của huyện trong xây dựng NTM.
Người dân xã Phú Lộc trồng dưa hấu trên đất chuyên màu.
Đến thăm khu vườn mẫu của hộ gia đình bà Cao Thị Cẩm, thôn Phú Đa, chúng tôi cảm nhận được sự đầu tư, tâm huyết của gia chủ. Bà Cẩm cho biết: “Gia đình tôi có gần 8.000m2 đất nông nghiệp và vườn tạp, chủ yếu trồng một số loại cây rau màu truyền thống, thu nhập không đáng kể. Từ năm 2016, khi xã Phú Lộc vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp xây dựng vườn mẫu để hoàn thiện tiêu chí vườn hộ trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gia đình tôi đăng ký tham gia. Tôi đã phá bỏ cây tạp, dồn đổi ruộng đất về sát nhà thành khu sản xuất rộng rãi, tạo môi trường thoáng đãng để canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trên diện tích này, tôi trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn và cam canh đường. Do bưởi được trồng thưa hơn bình thường, cắt tỉa cành lá gọn nên phần đất dưới gốc vẫn canh tác được các loại cây trồng khác, đảm bảo 1 năm 4 vụ: khoai tây – dưa hấu – đậu tương, rau – lạc thu đông nên thu nhập quanh năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn chăn nuôi hàng chục con lợn rừng, bò và đào ao thả cá. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình hiện cho lợi nhuận gần 400 triệu đồng mỗi năm”.
Tại thôn Giữa cùng xã, hộ gia đình ông Hoàng Thanh Hà, phát triển mô hình liên kết chăn nuôi gà thịt. Năm 2019, gia đình ông được xã tạo điều kiện cho nhận thầu 1,5 ha đất. “Trên diện tích này, tôi đã đầu tư xây dựng 3 khu chuồng trại chăn nuôi gà có quy mô 40 nghìn con gà thịt và Công ty TNHH Japan là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do chăn nuôi quy mô lớn nên ngoài đầu tư trang bị hệ thống máng ăn, nước uống tự động, máy hút mùi…, tôi còn sử dụng đệm lót sinh học và hàng tháng phun thuốc khử mùi, khử khuẩn. Nhờ đó, môi trường chuồng trại luôn đảm bảo, gà ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, mỗi năm gia đình xuất bán được 3 lứa gà. Với giá thu mua của công ty là 52 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, sau hơn 100 ngày nuôi thả, gia đình tôi có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/lứa” – ông Hà chia sẻ.
Ngoài khuyến khích phát triển kinh tế hộ, xã Phú Lộc đã tích cực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa. Tiêu biểu, như: Mô hình liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) trồng các loại cây như ngô ngọt, đậu tương rau và rau chân vịt, diện tích 130 ha. Từ mô hình liên kết này đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập lên 350 triệu đồng/ha/năm. Ngoài đưa các giống cây trồng hàng hóa vào canh tác, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đổi mới, tổ chức lại sản xuất, tích cực đưa các tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế được người dân coi trọng. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên ha đất canh tác hiện nay của xã Phú Lộc đạt 230 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, Phú Lộc coi trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và phát triển doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có 24 doanh nghiệp và 186 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.
Ông Lê Hải Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, cho biết: Nhờ tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, đời sống người dân trong xã đã được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 64 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 0,51%.
Đời sống dần khá giả, Nhân dân địa phương có nguồn lực đóng góp nhiều hơn cho xây dựng hạ tầng cũng như các tiêu chí NTM. Đến thời điểm này, xã Phú Lộc đã huy động tổng nguồn lực xây dựng các tiêu chí NTM kiểu mẫu với số tiền 504 tỷ đồng, phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Bài và ảnh: Minh Lý