05/06/2023 06:02
Phân loại rác thải tại nguồn không khó, nhưng lại là một trong những giải pháp giúp hạn chế rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2023 với chủ đề “Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa”, tôi lại nhớ đến chị bạn tôi từ nhiều năm nay duy trì thói quen tốt phân loại rác thải tại nhà.
Trong nhà chị, lúc nào cũng có 3 giỏ rác được đặt ở các vị trí khác nhau. 1 giỏ rác hữu cơ; 1 bao bố để đựng rác thải nhựa; 1 giỏ để đựng chất thải rắn. Hàng tháng, chị gom rác thải nhựa lại và gọi cho một tổ chức thiện nguyện đến chở đi bán để lấy quỹ tổ chức các hoạt động ý nghĩa; 2 giỏ rác còn lại, mỗi tối, chị đưa ra trước cổng, treo gọn gàng để các đơn vị đến thu gom.
Thói quen này được chị thực hiện từ năm 2016. Thời điểm đó, khi được Hội LHPN phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) phát động việc phân loại rác tại nguồn, được hướng dẫn thực hiện, chị đã làm theo và duy trì đến nay. Không chỉ thế, trong nhà chị, rất ít khi dùng túi nilông. Đồ ăn trong tủ lạnh được bỏ gọn trong các hộp thủy tinh. Chị cũng tái chế, cắt các vỏ sữa, hộp sữa để đựng thịt bỏ vào ngăn đông tủ lạnh. Việc phân loại rác tại nguồn cũng như việc tái chế các sản phẩm bằng nhựa giúp gia đình chị vừa gọn gàng, sạch sẽ, vừa hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường.
|
Việc phân loại rác thải tại từng nhà được phát động, tuyên truyền thực hiện từ nhiều năm nay. Đặc biệt, qua nhiều năm triển khai, các cấp Hội LHPN đã hình thành và nhân rộng nhiều mô hình liên quan: phân loại rác thải tại nguồn, biến rác thành tiền, xách làn đi chợ, với sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ. Cùng với việc thành lập, các cấp Hội đã tặng giỏ rác và hướng dẫn cụ thể để các hội viên thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách triệt để. Qua đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm, hạn chế thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Với các mô hình trên, chị em phụ nữ biết cách gom rác thải nhựa, bán, sử dụng tiền để góp quỹ. Nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn ở xã Đăk Dục, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi), hay phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) mang lại hiệu quả, tạo được nguồn quỹ giúp chị em khó khăn xây dựng các mô hình kinh tế.
Việc phân loại rác thải tại nguồn thực sự cần thiết và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hoạt động trên vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của việc biến đổi khí hậu và môi trường sống. Do đó, không chỉ các cấp Hội LHPN, những năm qua, các cơ quan chức năng, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện.
Việc phân loại rác thải tại nguồn từ mỗi hộ gia đình không khó. Thế nhưng, dù đã triển khai nhưng thực chất chưa tạo được sự thống nhất trong thực tiễn. Bên cạnh một số hộ gia đình làm tốt, đa số các hộ đều chưa thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác tại nhà. Và nhiều người cho rằng, việc bỏ rác vô nhiều thùng rác gây phiền hà. Trong khi đó, khi đưa ra bên ngoài, đơn vị thu gom không thực hiện phân loại ngay từ khâu lấy rác mà dồn hết vào 1 thùng, khiến việc phân loại ngay tại nguồn trở nên vô nghĩa.
Mới đây, vào ngày 4/4/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại Khoản 2, Điều 4 có nêu, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Với nội dung trên một lần nữa thể hiện, việc phân loại rác trở thành trách nhiệm, cần sự chung sức của tất cả mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra được thói quen tốt trong mỗi gia đình. Tuy vậy, cùng với sự chung tay của người dân, mấu chốt của vấn đề chính là việc cần có phương án thống nhất trong việc thu gom rác thải và công nghệ xử lý chất thải một cách hiệu quả. Nếu khâu phân loại tại nguồn được người dân làm tốt mà việc thu gom, xử lý không đạt hiệu quả thì mọi việc đâu lại vào đấy.
Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề: “Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa”. Với chủ đề trên, nhằm tập trung vào các giải pháp đối với ô nhiễm nhựa. Chung tay hưởng ứng, mỗi người dân thay đổi thói quen cũ, hình thành thói quen mới trong việc phân loại rác tại nguồn cũng là cách hữu hiệu góp phần hạn chế rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Hoài Tiến