Hoàng Anh làm thêm online, hàng ngày viết bốn bài, dựng hai video ngắn để đăng lên Youtube, kiếm khoảng 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Tháng 6/2022 khi vừa kết thúc năm hai đại học, Hoàng Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xin làm thêm ở mục thể thao của một trang tin tổng hợp. Khi đã quen việc, nam sinh 21 tuổi được giao phụ trách bốn kênh Youtube, gồm mảng bóng đá, tin tức chung, games và showbiz.
Hàng ngày, Hoàng Anh ngồi nhà viết bốn content (nội dung quảng cáo) trên bốn kênh; dựng hai video ngắn, khoảng vài chục giây, tổng hợp tin tức, xu hướng đáng chú ý. Việc này không đòi hỏi cao về thiết bị nên Hoàng Anh dùng laptop cá nhân, làm trong khoảng hai tiếng.
Minh Hương, sinh viên năm ba, ngành truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao, cũng làm thêm online được khoảng một năm. Bắt đầu từ vị trí thực tập không lương cho một dự án tình nguyện, sau 6 tháng nữ sinh trở thành cộng tác viên truyền thông cho một công ty cung cấp dịch vụ marketing.
Nhiệm vụ của Hương khá đa dạng, từ thiết kế banner, lên kịch bản, kế hoạch cho mỗi dự án. Nữ sinh chỉ cần lên công ty khoảng 1,5 ngày mỗi ngày, chủ yếu để nghe cấp trên giao việc. Còn lại, Hương được chủ động. Trung bình mỗi ngày, nữ sinh dành ba tiếng cho công việc, sử dụng ipad cá nhân. Thù lao mà Hương nhận được khoảng 3 triệu đồng một tháng.
Số sinh viên chọn làm thêm online như Hoàng Anh, Hương có xu hướng tăng.
Báo cáo thị trường lao động năm 2022 của kênh việc làm VietnamWorks, đánh giá xu hướng tìm việc làm chủ động và thích ứng cao xuất hiện sau Covid-19. Cụ thể, hơn 17% trong số 3.000 người tham gia khảo sát muốn tìm việc làm từ xa, freelance hoặc hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến), trong khi những loại hình công việc này không phổ biến và được ưa chuộng thời điểm từ 2019 trở về trước. Những công việc làm từ xa chủ yếu ở ngành truyền thông, công nghệ thông tin, bán hàng.
Với sinh viên, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, trường Đại học Mỏ-Địa chất, nhận định làm thêm từ xa đang trở thành xu hướng. Theo khảo sát của trường năm 2022, trong 1.000 sinh viên thì có 300 em làm thêm online. Con số này năm 2019 chỉ khoảng 100.
Ông Thành nhận xét những việc làm trực tuyến phổ biến với sinh viên là chăm sóc khách hàng, chạy quảng cáo trên mạng, viết phần mềm, quản trị web.
TS Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng chung nhận định này. Bà cho rằng làm việc online thuận tiện cho sinh viên, các em không mất công đi lại, không gò bó.
Với sinh viên ngành truyền thông, báo chí, những kỹ năng các em học ở trường có thể áp dụng vào nhiều công việc online. Vì thế các em vừa có thu nhập lại có ích cho việc học.
Đây là lý do Minh Hương gắn bó với vị trí cộng tác viên nội dung. Hương nói công việc này gần với chuyên ngành đại học, thậm chí khi đi làm, em nắm được nhiều kiến thức ở các môn sau. Do đó, Hương vẫn gắn bó, dù lương không quá hấp dẫn.
So với khi làm thêm tại cửa hàng chăm sóc thú cưng, thu nhập 3,5-4 triệu đồng từ công việc hiện tại của Hoàng Anh cũng không cao hơn. Nhưng theo nam sinh, làm online được linh hoạt thời gian, địa điểm, giúp thỏa mãn đam mê bóng đá.
“Hơn nữa, thời tiết mùa hè khắc nghiệt, làm tại nhà đảm bảo sức khỏe hơn. Tôi nghĩ nếu được chọn, đa số sinh viên đều muốn làm online”, Hoàng Anh nói.
Ngoài những lý do nêu trên, TS Giang Trung Khoa, Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận định sinh viên được học hỏi nhiều kỹ năng mềm khi làm thêm. Theo ông, điều này rất quan trọng vì các nhà tuyển dụng hiện không chỉ đặt ra yêu cầu về chuyên môn, bằng cấp, mà còn đề cao những kỹ năng như giao tiếp, cách quản lý bản thân, thời gian.
“Là xu hướng mới, làm thêm online còn giúp sinh viên thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động, có thêm kỹ năng sử dụng các nền tảng kỹ thuật trực tuyến”, ông Khoa đánh giá.
Dù được ưa chuộng, các nhà giáo cho rằng sinh viên nên căn cứ vào nhu cầu, sức khỏe bản thân, đam mê, mức độ rủi ro… để chọn công việc phù hợp, tránh ảnh hưởng đến việc học.
Bà Hường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói nhiệm vụ chính của sinh viên là học. Nhiều sinh viên tranh thủ buổi tối và đêm muộn để ôm máy tính làm thêm, nên uể oải trong giờ học sáng hôm sau khiến kết quả giảm sút. Cũng có em mải mê vì thu nhập ổn định nên xao nhãng việc học. Nhiều em có nguy cơ nợ môn, chậm tốt nghiệp.
Trong khi đó, nhiều việc làm trực tuyến chỉ trong thời gian ngắn, độ cạnh tranh và đào thải cao. Do đó, sinh viên không nên chạy theo xu hướng mà cần cân nhắc dựa trên định hướng và ngành học của mình.
TS Lê Xuân Thành cũng cảnh báo sinh viên cẩn trọng với bẫy tuyển dụng online. Dẫn lại số liệu của công an quận Nam Từ Liêm, ông Thành cho biết hơn 20% lời mời gọi làm việc online tiềm ẩn lừa đảo. Trường Đại học Mỏ-Địa chất cũng ghi nhận phản ánh của sinh viên về việc đăng tuyển dụng trá hình để lừa người làm ký hợp đồng, đặt cọc rồi đưa sản phẩm giả mạo, kém chất lượng để quảng cáo.
Thạc sĩ Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường Đại học Thủy lợi, khuyên sinh viên nên tìm việc trên những nền tảng chính thống như website của Thành Đoàn, thành phố, trường đại học.
“Khi đăng thông tin, trường đã kiểm chứng rồi, nên rủi ro sẽ thấp hơn các thông báo trôi nổi trên mạng”, bà Giang nói.
Minh Hương cho hay sau một thời gian làm qua mạng, cô sẽ đăng ký thực tập luôn tại công ty trong mùa hè này. Nữ sinh coi đây là cơ hội trải nghiệm, xem mức độ chịu áp lực của bản thân ra sao, để quyết định hướng đi sau khi ra trường.
Hoàng Anh thì tạm thời chưa nghĩ tới chuyện tìm việc mới. Ngoài sản xuất bài và video thương mại mỗi ngày, nam sinh được giao hướng dẫn một số nhân viên mới.
“Em thấy mình khá hợp với hình thức làm online nên có thể sẽ theo hẳn mảng truyền thông sau khi tốt nghiệp”, Hoàng Anh nói.
Thanh Hằng