Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Ueki chia sẻ với kênh Al Jazeera: “Có khách hàng đề nghị trả bằng thẻ tín dụng và nói rằng họ không có tiền mặt. Tôi đã bảo họ đến cửa hàng tiện ích để rút tiền từ ATM”.
Mặc dù xu hướng thanh toán không tiền mặt đang phổ biến trên toàn thế giới, ông Ueki không có kế hoạch sớm thay đổi. Ông nói: “Nó không cần thiết bởi chúng tôi đang thoải mái với những gì đang có”. Quan điểm của ông Ueki cũng khá phổ biến với nhiều người Nhật Bản khác.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong năm 2022 cho biết việc thanh toán không tiền mặt đã tăng gấp đôi tại Nhật Bản trong thập niên vừa qua, đạt mức 36%. Tuy nhiên, mức này vẫn không tương xứng với Hàn Quốc và Singapore nơi hầu hết các giao dịch là không tiền mặt.
Việc Nhật Bản vẫn ưu ái tiền mặt là một ví dụ cho sự chậm chạp của quốc gia Đông Á này với kinh tế điện tử. Nhật Bản vẫn là quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này ở nhiều khía cạnh vẫn mắc kẹt với quá khứ.
Nhiều dịch vụ của chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thể truy cập online và dựa vào đơn từ bằng giấy hoặc đến trực tiếp văn phòng cơ quan công quyền địa phương. Máy fax vẫn được sử dụng thường xuyên tại các văn phòng thay vì thư điện tử (email) và con dấu vẫn được ưu tiên hơn chữ ký điện tử.
Nhiều văn phòng tại Nhật Bản vẫn sử dụng máy fax. Ảnh: Getty Image
Cơ quan Điện tử Nhật Bản, cơ quan thuộc chính phủ phụ trách chuyển đổi số, ước tính rằng 1.900 quy trình liên chính phủ vẫn phụ thuộc vào công nghệ lưu trữ lỗi thời thư đĩa CD, ổ đĩa mềm. Trong thời kỳ dịch COVID-19, báo chí Nhật Bản đã đưa tin về vụ việc một cán bộ tại tỉnh Yamaguchi gửi ổ đĩa mềm chứa thông tin của người dân đến một ngân hàng địa phương để phân phát tiền cứu trợ. Tuy nhiên đã xảy ra nhầm lẫn khiến một người dân nhận đến 46,3 triệu yen (331.000 USD).
Theo Xếp hạng cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu mới được Viện phát triển quản lý quốc tế (Thụy Sĩ) công bố, Nhật Bản xếp thứ 29 trong tổng số 63 nền kinh tế.
Nhà kinh tế học Martin Schulz tại công ty dịch vụ IT Fujitsu nhận định việc Nhật Bản phụ thuộc vào hệ thống có tuổi một phần bắt nguồn từ việc nước này gặt hái thành công trong năng lực tầm quốc tế chỉ cần công nghệ cũ.
Ông Schulz cũng là một cố vấn của chính phủ Nhật Bản nhận định: “Khi bạn huấn luyện các hệ thống làm việc đều đặn như một cái máy, việc thay thế chúng với một hệ thống điện tử hiệu quả tương tự nhưng cần chi phí chuyển đổi khổng lồ không kèm theo thành quả bổ sung nổi trội thì việc tính toán là rất khác biệt”.
Ông Ryuichi Ueki tại của hàng mì ở Tokyo nơi chỉ nhận tiền mặt. Ảnh: Al Jazeera
Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã nhận ra cần xử lý tình trạng lạc hậu về kỹ thuật số tại nước này. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong một báo cáo năm 2018 cảnh báo rằng nước này có thể đối mặt với “vách đá kỹ thuật số” do các doanh nghiệp không cập nhật được hệ thống điện tử, khiến họ có thể mất mới 12 nghìn tỷ yen mỗi năm kể từ 2025.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết đẩy mạnh chuyển đổi số của Nhật Bản, trong đó bao gồm chi 5,7 nghìn tỷ yên để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở một số khu vực thiếu người lao động do tình trạng già hóa dân số. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono còn tuyên bố “chiến tranh” với ổ đĩa mềm và châm biếm về chiếc máy fax của ông khi đang sống trong “xã hội tiên tiến”.
Dịch COVID-19 là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Nhật Bản. Ông Schulz nhận định khi các quốc gia khác tiến sâu vào con đường số hóa và qua dịch COVID-19 để tìm phương pháp mới trong kinh doanh, Nhật Bản lại phát hiện ra nước này mới chỉ “đặt nền móng” cho thời kỳ kỹ thuật số.
Tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản cũng cho thấy chuyển đổi kỹ thuật số có thể là một cuộc chiến khó khăn. Sau nhiều thập niên ghi nhận tỷ lệ sinh thấp, chính phủ Nhật Bản dự đoán đến năm 2030 sẽ thiếu 450.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.