Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV
Sáng 31.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Trần Quốc Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về việc cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc, đại biểu Trần Hữu Hậu- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, khi đưa ra những nguyên nhân của kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, báo cáo của Chính phủ có nêu: “Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, thiếu trách nhiệm, gây ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc”.
Đại biểu Hậu cho rằng, đánh giá như vậy là không sai, nhưng mới dừng ở “hiện tượng”, cần nhìn thẳng vào “bản chất” của vấn đề để có giải pháp căn cơ, thích hợp; bởi “cán bộ” là một trong những nhân tố quyết định đến thành công của mọi tổ chức, mọi công việc.
Cán bộ – công chức – viên chức sợ điều gì?
Đại biểu Hậu chia sẻ, những tháng qua, đại biểu có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), từ trung ương đến xã, phường, trong đó có cả những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu nêu lên những trăn trở: CB-CC-VC đang sợ sai là sợ điều gì? Tại sao họ sợ? Đại biểu Hậu cho rằng, nếu trong thực thi công vụ, để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình đã có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng, họ sẽ chỉ còn nỗ lực để năng động, sáng tạo tìm những cách làm hiệu quả hơn, chẳng có gì phải sợ.
Nhưng thực tế, không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu CBCC quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước, không ít thì nhiều sẽ vi phạm các quy định hiện hành của Đảng, pháp luật Nhà nước. Và chúng ta đang gọi họ là những người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.
Trong khi đó, Điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm cũng như Luật Cán bộ công chức đều yêu cầu: đảng viên, CB-CC-VC phải “chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, không được “Chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước”.
Theo đại biểu Hậu, quy định như thế là rất đúng, là những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức Đảng và Nhà nước. Những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù “vì lợi ích chung” mà không biết sợ, có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.
Cái đáng trách là CB-CC-VC biết quy định sai mà không dám nói, không dám kiến nghị để sửa và điều đáng lo ngại với các cơ quan công quyền các cấp hiện nay là thấy quy định sai mà không sửa được hoặc không thể sửa kịp thời.
Do đó, đại biểu Hậu nhận định rằng việc “bảo vệ người dám nghĩ, dám làm” rất khó khăn, có vẻ “bất khả thi”, bởi lẽ, bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật.
Và khi ấy, lại cần có việc bảo vệ – người bảo vệ – người dám nghĩ, dám làm… Và, cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội vì cái vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.
Đó là chưa nói đến việc cấp trên và các cơ quan chức năng khó mà đánh giá được người dám nghĩ, dám làm có hoàn toàn vì lợi ích chung không? Có chuyện “đi đêm”, “lobby chính sách” phía sau không? Cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng lại chuyển ngược lên cho cấp trên quyết, cấp trên cho ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến, có khi lại được cho là phương pháp hợp lý nhất. Nhìn lại việc xây dựng để ban hành chính Nghị định về khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy – đại biểu dẫn chứng cụ thể:
Bộ Chính trị có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết 28, Hội nghị Trung ương 6 “yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 giao nhiệm vụ cho lĩnh vực Nội vụ: “Khẩn trương tham mưu thể chế hoá, thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2.2023, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ “chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; đến ngày 19.4, Thủ tướng gửi Công điện số 280, trong đó yêu cầu Bộ Nội vụ: “Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định… báo cáo Chính phủ trong tháng 6 năm 2023”.
Việc định hướng, chỉ đạo là rất rõ ràng, thế nhưng, sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy “vướng rất nhiều quy định của pháp luật” nên “đang tham mưu, báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành nghị định”.
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu phát biểu tại hội trường.
Tập trung sửa ngay luật hoặc các quy định chưa phù hợp
Từ những phân tích trên, đại biểu Hậu cho rằng: Cần phải làm sao để CB-CC-VC các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm; và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ dám làm; CB-CC-VC các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để “năng động, sáng tạo” thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nghĩa là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn. Bởi lẽ, theo như dự thảo của Bộ Nội vụ thì: Người dám nghĩ, dám làm phải trình đề xuất của mình và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Mà, điều khó nhất, vướng nhất lại là luật; do đó, cơ quan có thẩm quyền cuối cùng sẽ là Quốc hội, là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, câu chuyện sẽ lại trở về trình Quốc hội cho thí điểm, hoặc sửa luật.
Đại biểu nhắc lại lời của Thủ tướng về chất vấn của đại biểu là: “Luật là do chúng ta; trong thực tiễn đang vướng mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa”. Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn.
Bởi, thực tế có không ít vấn đề khi đưa ra bàn, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan liên quan đều có lý lẽ của mình và dường như đều đúng. Và hiện tượng đáng tiếc xảy ra là: trong không ít trường hợp, khi tất cả hoặc hầu hết các cá nhân, các cơ quan, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng.
Theo đại biểu Hậu, cái đúng đi với cái đúng phải đem đến sự thông thoáng, phải giúp đất nước phát triển, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Cái đúng đi với cái đúng không thể dẫn đến sự trì trệ, đến việc làm nghèo đất nước.
Kết thúc phát biểu, đại biểu Trần Hữu Hậu kiến nghị Quốc hội xem xét để có được những cách làm, những trình tự thủ tục phù hợp hơn nữa, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh; để CB-CC-VC bớt phải “dám nghĩ dám làm”, tập trung sức lực và trí tuệ để năng động, để sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định, của pháp luật.
Thanh Trung
(lược ghi)