“Đoán đề” thi lớp 10 dựa trên yếu tố tâm linh
Một diễn đàn của học sinh TP.HCM có những bài đăng như: “Do nhiều học sinh yêu cầu nhờ đoán đề nên thứ bảy tuần này thầy sẽ up phần dự đoán đề tuyển sinh môn văn, lớp 9 yên tâm nhé” hay “thứ hai thầy đoán đề thi tuyển sinh 10 cho 2k8 nhé. Hai năm rồi may mắn đoán đúng!”. Những bài đăng “bói đề, đoán đề” đang thu hút sự chú ý của hàng ngàn thành viên của diễn đàn này.
Một thành viên diễn đàn viết: “Sau khi phân tích qua nhiều khía cạnh như: nền tảng mạng xã hội, yếu tố tâm linh và quy luật… đề thi văn năm nay chắc chắn sẽ rơi vào tác phẩm truyện ngắn: Những ngôi sao xa xôi và sẽ xuất hiện một trong những chủ đề dưới đây: Hình ảnh người lính trong chiến tranh, vẻ đẹp của thế hệ trẻ kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh người phụ nữ. Tóm lại, đề thi chỉ bao gồm trong chủ đề chiến tranh. Ngoài ra có thể học thêm các tác phẩm để phòng khi “tủ đè”: Bếp lửa, Đoàn thuyền đánh cá, Lặng lẽ Sapa, Mùa xuân nho nhỏ…”.
Còn thành viên T.A.P chia sẻ: “Thật sự thì mình nghĩ Sở GD-ĐT sẽ không cho ra một đề cụ thể là người lính hay tuổi trẻ gì cả. Có thể đề sẽ ra theo hướng mở như sự lạc quan, niềm tin, trải nghiệm. Để bạn có thể thỏa sức sáng tạo, cũng giảm bớt phần bị ‘tủ đè’. Với mình nghĩ đừng đoán đề nữa…mình nghĩ các bạn vẫn nên học hết”.
Giáo viên khuyên học sinh không nên “bói đề, đoán đề”
Thầy Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), lưu ý cách ra đề thi của TP.HCM từ nhiều năm nay đã theo định hướng mở, học sinh không thể “bói đề, đoán đề” và cũng không nên tin vào những dự đoán trên mạng xã hội.
Theo thầy Bảo, đề thi sẽ không ra tác phẩm mà ra theo chủ đề, học sinh được quyền chọn bất kỳ tác phẩm nào hoặc ý nhỏ nào trong tác phẩm sao cho phù hợp, đúng, trúng với chủ đề để phân tích, nghị luận. “Do đó, nếu học sinh còn học tủ, còn bói đề, đoán đề theo việc loại trừ các tác phẩm đã ra trong kỳ thi tuyển sinh hàng năm thì sẽ không thể làm được bài thi. Quan trọng là học sinh phải có kỹ năng làm bài, hệ thống lại nội dung trọng tâm của tác phẩm, chủ đề của tác phẩm thì mới có thể làm được đề thi tuyển sinh”, thầy Bảo nói.
Khi hướng dẫn học sinh toàn TP.HCM chuẩn bị kiến thức môn ngữ văn cho kỳ thi tuyển sinh, thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở GD-ĐT, cũng đã lưu ý, “bói đề, đoán đề” là một điều rất tai hại trong quá trình ôn tập. “Nhiều học sinh cho rằng năm trước đề đã ra tác phẩm này, vấn đề kia thì năm nay không ra nữa. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT đã nhấn mạnh nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Vì thế, đề có thể ra trong bất cứ tác phẩm nào, ở một khía cạnh nào đó. Định hướng đề thi tuyển sinh môn ngữ văn năm nay sẽ có “độ mở” cao. Các em cần tập trung rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề”, thạc sĩ Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cũng nói đề thi lớp 10 của TP.HCM đòi hỏi thí sinh phải tự làm, tự triển khai theo khả năng hiểu, tư duy, viết của mình. Do đó, nếu học sinh vẫn còn tâm lý trông chờ vào văn mẫu, vào may rủi đoán đề thì sẽ không thể làm bài tốt.
Theo cô Xuân, trong giai đoạn này, học sinh đang chạy đua ôn tập để bước vào kỳ thi nên không thể trông chờ vào may rủi mà nên xem lại các bài giảng, đề cương rồi viết lại theo các ý chính để nhớ kiến thức lâu hơn. Ngoài ra, cô Thanh Xuân lưu ý, đề thi có tính xâu chuỗi xuyên suốt từ đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Do đó, học sinh phải có kỹ năng phân tích đề, suy luận từ đề.