Theo báo cáo của DKRA, trong năm 2022, phân khúc đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận tiếp tục gặp khó ở cả 2 đầu cung – cầu. Tuy nhiên, xu hướng này có thể kéo dài tới năm hết năm 2023.
Theo đó, trong năm 2022, toàn thị trường đón nhận 45 dự án với nguồn cung khoảng 6.806 sản phẩm, tăng 9% so với năm 2021. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 4.582 nền, xấp xỉ 67% tổng nguồn cung mở bán mới, giảm nhẹ 2% so với năm trước.
Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương khi chiếm 74,5% nguồn cung toàn thị trường.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động và duy trì xu hướng đi ngang trong năm. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp ghi nhận thanh khoản giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022, mặt bằng giá bán giảm trung bình 12% – 20% so với năm 2021.
Điều này có thể thấy rằng, nhu cầu đầu tư, mua đi – bán lại đất nền đã giảm sút rất mạnh trong năm 2023.
DKRA dự báo, trong năm 2023, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022 do các địa phương mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền. Nguồn cung mới dao động khoảng 6.200 nền, tập trung chủ yếu tại Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến trong năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản nhận định: Trước năm 2022, và ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đất nền TP.HCM và vùng phụ cận luôn là “hàng hot” trên thị trường.
Bởi lẽ, quỹ đất tại TP.HCM đang cạn kiệt, không đủ đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư trong nước. Do đó, các địa phương khác như Long An, Đồng Nai hay Bình Dương được hưởng lợi từ việc này.
Bên cạnh đó, khu vực này trong vài năm qua có nhiều dự án hạ tầng rất lớn, đơn cử như sân bay Long Thành, đã tạo ra xung lực cho thị trường đất nên lên ngôi.
“Đã có thời điểm, nhiều dự án cháy hàng khi vừa mở bán, nhà đầu tư ùn ùn ra các địa phương lân cận để săn đất nền. Tuy nhiên, đến năm 2022, xu hướng này bất ngờ đảo chiều”, ông Tuấn nói.
Vị chuyên gia này lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dòng vốn tín dụng bị thắt chặt, khiến nhiều nhà đầu tư khó tiếp cận với dòng vốn này. Bên cạnh đó, sau một thời gian tăng quá nóng, giá đất nền ở khu vực này đang có xu hướng tăng ảo.
“Thực tế, người ta mua đất nền về đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá là chủ yếu. Đơn cử như thị xã Bến Cát (Bình Dương), một trong những thị trường đất nền “hot” trước năm 2022, hiện nay cũng đã đứng giá. Nhiều dự án phân lô, bán nền bài bản chỉ toàn đất trống, không thấy xây dựng nhà cửa”, ông Tuấn nói.
Trước xu thế này, ông Tuấn nhận định, phải đến năm 2024, hoặc có thể hơn, thị trường đất nền khu vực này mới có đà hồi phục trở lại.