Ngày 4.6, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), cho biết BV đang tiếp tục điều trị cho 6 bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu.
“Hiện các bệnh nhân có tiến triển trong điều trị, các triệu chứng ngộ độc giảm bớt nhưng phải tiếp tục theo dõi”, ông Nhựt nói.
Trước đó, trưa 3.6, BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp nhận 6 bệnh nhân có các dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu. Trong đó, 5 bệnh nhân lớn tuổi được cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, 1 bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.
Các bệnh nhân là K.V.Đ (45 tuổi), T.H.T (51 tuổi), N.V.L (52 tuổi), L.N.R (41 tuổi), C.C.R (38 tuổi) và C.Y.H (11 tuổi, cùng trú xã Cư KBang, H.Ea Súp, Đắk Lắk).
Khi nhập viện, 3 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhẹ hơn, tỉnh táo, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.
Theo bệnh nhân C.C.R, những ngày qua, tại địa phương có nhiều người đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng như “đông trùng hạ thảo”. Người thân trong gia đình anh R. cũng đi đào được hơn mười cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho 5 người trong nhà ăn.
Sau khi ăn chừng 2 tiếng thì anh R. cùng 2 người có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế H.Ea Súp và được chuyển lên BVĐK vùng Tây Nguyên điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thiên Phúc, khoa Hồi sức tích cực – chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên, việc người dân lầm tưởng nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu là “đông trùng hạ thảo” có lợi cho sức khỏe nên sử dụng là hết sức nguy hiểm. Vì loại nấm ký sinh trên vật chủ có thể gây độc cho con người. Ngộ độc nhẹ có thể gây ra tình trạng nôn ói, đi cầu lỏng, nặng hơn có thể gây tổn gan, thận, thần kinh gây hôn mê, thậm chí có thể gây tử vong.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 4.6