Tầm quan trọng của bữa sáng
Bữa sáng lành mạnh sẽ mang năng lượng cả ngày.
Bữa ăn sáng giúp cơ thể bắt đầu trao đổi chất và đốt cháy calo suốt cả ngày. Bữa sáng cũng cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng cần thiết để giúp bạn tập trung hoàn thành công việc của mình.
Các nghiên cứu cho thấy rằng một bữa sáng lành mạnh có thể giúp bạn:
Có chế độ ăn với lượng dinh dưỡng cao hơn gồm vitamin và khoáng chất
Nâng cao hiệu suất và sự tập trung trong học tập hoặc công việc
Cung cấp nhiều năng lượng giúp bạn cải thiện khả năng vận động của cơ thể
Giảm mức cholesterol trong cơ thể.
Vì vậy, ăn sáng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ, trẻ em ăn sáng sẽ có khả năng học tập và vận động tốt hơn. Ngoài ra, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng linh hoạt hơn.
Ăn gì vào bữa sáng?
Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam bữa sáng nên có tinh bột ở mức vừa phải, sau đó là protein, chất xơ và vitamin.
“Chất bột đường có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể và oxy cho não. Nhịn ăn tinh bột sẽ gây buồn ngủ, ngủ gật, thiếu sức sống vì không có oxy cho não, nhất là vào buổi sáng. Do đó, bắt buộc phải ăn tinh bột, có thể từ cơm, hoặc bún, phở, cháo, bánh mì, nhất là vào buổi sáng, sau một đêm dài nhịn đói”, ông Sơn nói.
Không nên dùng nhiều quá đồ chiên xào vào bữa sáng bởi dễ gây đầy bụng. Ngoài ra, không nên dùng đồ ngọt, chất béo quá nhiều.
Thời gian ăn sáng thích hợp
“Rất nhiều người nghĩ bữa sáng khoảng từ 7-8h. Trẻ em, người có năng lượng thấp hoặc không sắp xếp được thời gian có thể ăn sáng vào khoảng thời gian này. Nhưng, đôi khi, chúng ta ăn theo thói quen, cứ nghĩ đến lúc đó phải ăn. Trong khi thực tế, không phải ai cũng nên ăn sáng như vậy”, TS Sơn cho hay.
Theo chuyên gia này, trẻ em và người cần tăng cân nên ăn bữa sáng sau khi ngủ dậy 30 phút. Người thừa cân khoẻ mạnh có thể không cần ăn sáng hoặc ăn với năng lượng thấp ở thời điểm giữa buổi sáng hoặc muộn hơn, tuỳ cảm giác đói.
“Đừng nghe xui bữa sáng là quan trọng nhất để rồi dù chưa thấy đói, bạn vẫn nhồi cả đống thức ăn vào, sau đó lại thắc mắc ‘Có ăn gì đâu mà vẫn bếu thế’. Tốt nhất là lắng nghe cơ thể bạn”, TS Sơn khuyến nghị.
Nguồn kinhtedothi