Trung QuốcTốt nghiệp ngành Toán ứng dụng nhưng Liang Huaxiao không thể tìm được việc, phải làm phục vụ ở một tiệm bánh và thẩm mỹ viện.
Trước đó, Liang, 25 tuổi, đã dành 2 năm để xin việc ở các công ty công nghệ tại Trung Quốc. Sau đó, cô chuyển sang làm nhân viên kinh doanh và chăm sóc khách hàng, nhưng kết quả cũng không khả quan. Cuối cùng, Liang đi làm nhân viên giúp việc cho một tiệm bánh và thẩm mỹ viện để kiếm tiền.
“Tìm việc thực sự khó khăn. Mẹ tôi đã khóc khi biết tôi sẽ đi làm lao động chân tay”, Liang nghẹn ngào nói.
Wang, 23 tuổi, cử nhân lập trình, chỉ kiếm được chưa đến 420 USD (khoảng 9,8 triệu đồng) mỗi tháng khi làm nhân viên giao đồ ăn bán thời gian ở thành phố Tế Ninh, miền đông Trung Quốc.
“Yêu cầu đầu vào của ngành công nghiệp lập trình liên tục tăng. Tôi không thể tìm được vị trí ở công ty công nghệ lớn, trong khi các công ty nhỏ lại không trả thêm tiền lương làm ngoài giờ”, Wang nói.
Thị trường việc làm dành cho thanh niên ở Trung Quốc được cho là đang rơi vào khủng hoảng. Ảnh hưởng của Covid-19 khiến sinh viên các lĩnh vực phổ biến như công nghệ, giáo dục, bất động sản và tài chính chịu nhiều thiệt thòi. Các nhà kinh tế dự đoán ngày càng nhiều người có bằng đại học như Liang thất nghiệp.
Tháng hai năm nay, một khảo sát ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp với những người trong độ tuổi 16-24 tuổi là 18,1%, cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Con số này đạt kỷ lục mới là 20,4% trong tháng tư, theo Reuter. Trong khi đó, 11,6 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp vào mùa hè này, tăng 820.000 so với năm 2022.
Theo SCMP, một sinh viên mới tốt nghiệp phải chọi với 50 người khác để giành được việc làm tại một công ty nhỏ ở Bắc Kinh. Xu Beibei, họa sĩ ở một công ty trò chơi trực tuyến, cho biết cả đội chỉ tuyển mới 4 người, nhưng nhận tới 200 đơn xin việc.
Dù sinh viên đại học đang rất khó kiếm việc nhưng nhiều ngành vẫn khát nhân lực. Các công ty sản xuất rất thiếu kỹ sư và lao động lành nghề, trong khi lực lượng lao động hiện tại ở các nhà máy đang già hóa. 95% số sinh viên học trường nghề như hàn xì, sửa ống nước trong cuộc khảo sát hồi tháng 2 nói không gặp nhiều khó khăn khi tìm việc.
Keyu Jin, tác giả cuốn “The New China Playbook” ghi lại diễn biến nền kinh tế, nhận định: “Giáo dục Trung Quốc đi trước nền kinh tế, nghĩa là có nhiều bằng cấp hơn mức cần thiết tại một nền kinh tế dựa vào sản xuất”.
Vì không tìm được việc làm như mong muốn, một số sinh viên đã cất tấm bằng đại học để về quê lập nghiệp.
“Giới trẻ không còn tin rằng giá trị của một người đến từ việc học hành chăm chỉ hay thành công trong sự nghiệp”, Han Zhaoxue, 26 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ hành chính công, hiện điều hành một homestay ở nông thôn sau khi từ chối những lời đề nghị trả lương thấp, cho biết.
Wang cũng quyết định về quê để ôn thi công chức. Trong khi đó, Liang vẫn thất nghiệp và đang nghiêm túc xem xét việc bán hàng rong.
“Tôi không thể nghĩ ra thêm bất kỳ ngành nào mà tôi chưa ứng tuyển”, Liang nói.
Doãn Hùng (Theo Reuters, SCMP)