Thụy Điển có truyền thống văn học nữ giới khởi đầu từ cuối thời Trung cổ với nữ thánh Birgitta.
Những nhà văn nữ Thụy Điển
Ở phương Tây, phong trào phụ nữ viết văn phát triển đặc biệt mạnh từ cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ XIX.
Thụy Điển có truyền thống văn học nữ giới khởi đầu từ cuối thời Trung cổ với nữ thánh Birgitta (1303-1373). Bà thuộc dòng dõi quý tộc, con một luật gia đã từng biên soạn luật và được học hành tốt. Bà lấy chồng từ khi còn rất trẻ; chồng là một quý tộc, luật gia có chức vị cao trong triều. Bà cũng ở triều đình, nhưng rất mộ đạo và thích đọc sách.
Bà cùng chồng đi hành hương đến một nhà thờ nổi tiếng ở Tây Ban Nha, Santiago de Compostela. Ít lâu sau, chồng chết, bà đi sâu vào đời sống tôn giáo, bắt đầu thấy thần khải và thiên cảm. Bà bảo những linh mục nghe xưng tội của bà ghi lại những điều cảm thấy khi xuất thần. Bà định lập một tu viện nữ ở Vadstena nhưng nhà vua không chấp nhận, nhưng rồi bà được Giáo hoàng cho phép.
Trước khi chết, bà đi hành hương Thánh địa ở Jerusalem. Bà được chôn ở Vadstena; nơi này trở thành một nơi hành hương và trung tâm văn hóa thời Trung cổ. Bà được phong thánh năm 1391.
Tác phẩm Thiên khải (Revelationes celeste) ghi bằng tiếng Latinh, như các trước tác thông thái khác thời Trung cổ đã khiến cho nữ thánh Birgitta bất tử cả về văn học. Những người ghi lại đều là những linh mục công giáo uyên bác, chỉ có một số ít bản thảo do chính tay bà viết.
Các nhà nghiên cứu đều xác nhận là nội dung ghi đúng lời bà đọc, vả lại chính bà đã đọc lại để sửa văn. Những Thiên khải – coi là từ miệng Chúa Jesus Đức Mẹ đồng trinh hay Tông đồ thốt ra, gồm những lời khuyên răn, an ủi, sám hối; tác giả thường đề cập những sự kiện xã hội, tôn giáo, chính trị đương thời, nhiều khi dưới những hình thức biểu tượng.
Văn phong của bà có lúc mang vẻ bút chiến khi phê phán Giáo hoàng hay Nhà Vua; thường hiện thực và nêu các vấn đề về phụ nữ trong công việc hàng ngày, nhiệm vụ làm mẹ, sinh hoạt cộng đồng, bên cạnh những nét tượng trưng công thức. Bà Thánh Birgitta được xếp vào loại các nhà văn tôn giáo thần bí có tiếng ở châu Âu thời Trung cổ.
300 năm sau, khi Thụy Điển thành cường quốc vào nửa sau thế kỷ XVII, Nữ hoàng Kristina đã khiến đất nước rạng rỡ về mặt văn hóa nghệ thuật. Nhiều nhà văn và học giả nước ngoài đã đến triều đình của Nữ hoàng. Về sau, bà bỏ ngôi, theo tiếng gọi của đức tin, sang ở tại La Mã và theo Công giáo. Ở đó, bà cũng trở thành một nhân vật trung tâm văn hóa – nghệ thuật đương thời ở châu Âu. Những trước tác hiếm hoi còn lại của bà phản ánh một tâm hồn phức tạp, giữa vui đời và cô đơn. Trước tác ở Rome của bà bao gồm những câu cách ngôn viết bằng tiếng Pháp theo kiểu nhà văn Pháp La Rochefoucauld; những lời ấy nói lên lòng tin vào Thượng đế và thể hiện một thế giới quan không còn ảo tưởng, một đời sống và tính cách độc đáo của một cựu nữ hoàng.
Nữ sĩ Fredrika Bremer. |
Đến thế kỷ XIX, khoảng năm 1830, nữ sĩ Fredrika Bremer là người đi tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện thực của giai cấp trung lưu ở Thụy Điển. Bà trở thành nhân vật lãnh đạo phong trào giải phóng phụ nữ do nội dung các tác phẩm của bà tập trung vào phụ nữ. Bà có uy tín cả ở nước ngoài.
F. Bremer (1801-1865) xuất thân từ một gia đình Phần Lan – Thụy Điển, di cư sang Thụy Điển từ thời thơ ấu. Bà được giáo dục về văn hóa nghệ thuật theo hướng khá tiến bộ, nhưng cơ bản là tinh thần gia trưởng. Đa số các trước tác của bà phản đối khuynh hướng trọng nam ấy.
Sau một loạt Phác họa đời sống hàng ngày, bà nổi tiếng do cuốn tiểu thuyết Gia đình H. (1830-1831); tác phẩm hiện thực nhưng thấm nhuần tinh thần nhân đạo và lý tưởng hóa của chủ nghĩa lãng mạn và tư tưởng thần bí Kito giáo. Bà đề cao đời sống gia đình hòa thuận, coi đó là “tổ quốc thu nhỏ”. Những người hàng xóm (1837) ca ngợi gia đình có uy tín cao của bà mẹ. Tổ ấm (1839) tuy vẫn đề cao gia đình nhưng đã kêu gọi giải phóng phụ nữ khỏi xiềng xích gia trưởng, con gái phải được giáo dục yêu nghề nghiệp, có vị trí độc lập trong nhà.
Tác phẩm của bà được dịch ra tiếng nước ngoài và phổ biến ở nhiều nước vào cuối thế kỷ XIX. Bà đề cập vấn đề dục tình, khuyến khích lập những tập thể xã hội chủ nghĩa không tưởng, cơ sở để thiết lập một vương quốc hòa bình vĩnh viễn. Một số tư tưởng của bà được đưa vào chương trình của các đảng Xã hội – Dân chủ.
Bremer đã áp dụng kỹ thuật hiện thực của Balzac để viết cuốn tiểu thuyết Hertha (1856), tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Hertha là một thiếu phụ dám chống lại gia đình kiểu gia trưởng, người cha đầy uy quyền làm mất cả nhân phẩm những người khác trong nhà. Kết thúc câu chuyện hé ra một tương lai dân chủ hơn để cho tất cả mọi người, nhất là phụ nữ, tự do phát triển cá tính. Những đòi hỏi ấy, ngày nay thì quá bình thường – đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi. Tên Hertha đã được lấy để đặt cho tờ báo của phong trào phụ nữ.
Bremer đi Mỹ, Rome, Palestine, Hy Lạp, Thụy Sỹ, Italy; những tập du ký của bà phản ánh một đầu óc thiên về tìm hiểu các vấn đề xã hội, số phận phụ nữ và đóng góp của bà về mặt xã hội nói chung lớn hơn về mặt văn chương. Ngày nay, những tiểu thuyết của bà không còn được đánh giá là những tác phẩm cổ điển tuyệt vời nữa. Nhưng bà có công nêu gương phụ nữ viết văn; theo chân bà, một số nhà văn nữ, đến nay bị lãng quên, đã khiến cho thế giới chú ý đến văn học Thụy Điển trong nửa sau thế kỷ XIX.
(Còn tiếp)