Chính phủ vừa ban hành Nghị định tinh giản biên chế, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.
Nghị định có hiệu lực từ 20/7, áp dụng đến hết năm 2030. So với nghị định 108 năm 2014 và hai nghị định sửa đổi năm 2018, 2020, quy định mới bổ sung một số trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.
Đó là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện tinh giản; người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư cho sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sáp nhập các xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư cho sáp nhập thôn, tổ dân phố trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp, cũng thuộc diện tinh giản.
Ngoài ra, nhiều trường hợp tinh giản được giữ như quy định trước đây, gồm những người dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại bộ máy, nhân sự để tự chủ; do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã; do cơ cấu lại vị trí việc làm nhưng không bố trí được việc khác hoặc cá nhân tự nguyện tinh giản.
Diện tinh giản còn là người chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn; có hai năm liên tiếp liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế, có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ mà không bố trí được công việc khác; có hai năm liên tiếp mà mỗi năm có tổng ngày nghỉ do ốm đau cao hơn số ngày nghỉ quy định.
Những trường hợp chưa tinh giản gồm: người đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
Chính phủ khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách, thôi việc.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 15/10/2018 đến 31/12/2022, các bộ, ngành, địa phương tinh giản được gần 80.000 người. Trong đó, tỷ lệ tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (hơn 52%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (15%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (15%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo (3%).
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 49.000 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khoảng 28.000.