08:48, 04/06/2023
Đắk Lắk là vùng đất cao nguyên đa dạng văn hóa các dân tộc, có lợi thế về canh tác nông nghiệp, có nhiều địa phương mang dấu ấn lịch sử và phong vị đặc sắc.
Những điều ấy liệu có mang lại lợi thế nào để khai thác du lịch không và thực tế địa phương cần định hướng khai thác ra sao? Những câu hỏi này, đang đặt ra với ngành văn hóa và du lịch Đắk Lắk, giữa bối cảnh ngành kinh tế dịch vụ đặc thù này phải đối diện nhiều thách thức do nguồn du khách suy giảm.
Đa tầng “trầm tích” văn hóa…
Một du khách là Việt kiều Pháp đến tham quan Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên vào dịp khai trương đã đặt câu hỏi: “Trước văn hóa Êđê, mảnh đất cao nguyên này còn có văn hóa nào khác? Trước khi người Pháp mang cây cà phê và bánh mì đến đây, người dân Tây Nguyên có cây bản địa nào hấp dẫn?”. Hai câu hỏi nhỏ ấy đã làm bật lên một vấn đề: Hình như sự tìm kiếm, “đào bới” quá khứ ở vùng đất này còn chưa sâu lắm. Ngành văn hóa địa phương cần tìm hiểu nhiều hơn, ngược thời gian xa hơn, tiếp cận thêm nhiều tầng “trầm tích” văn hóa bản địa và khai thác chúng để thu hút du khách.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Từ góc cạnh này, vấn đề làm sao khai thác tốt những giá trị văn hóa bản địa và thu hút sự nhiệt thành hơn với các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương. Thăm thẳm trong rừng già Chư Yang Sin, vẫn còn rất điều có thể khám phá. Từ những thớt voi đầu tiên được chinh phục, đến những gia đình xem voi là thành viên trong nhà là cả một câu chuyện dài thuần dưỡng và trân trọng sức mạnh tự nhiên. Từ những giọng hát ngân lên giữa suối thác đại ngàn đến bản trường ca mặt trời cùng tình yêu bất tử, là cả một dòng huyền thoại về bầu sữa mẹ đã nuôi dưỡng những đàn con dưới tán rừng thiêng. Tiếng cồng chiêng chỉ là âm điệu vang lên, mời gọi tổ tiên quay về chứng kiến con cháu trưởng thành, hay chính là vũ điệu chiến thắng của con người trước ám ảnh cái chết, bệnh tật và sự mê muội. Nghĩa là dòng sông thời gian đã chôn giấu nơi đây rất nhiều kỳ tích, để con người có thể tạm quên bẵng đi, rồi phải đến lúc thận trọng xới lên lại mà tìm hiểu.
Tổng hòa những dấu hiệu ẩn ức đó, ngành văn hóa Đắk Lắk có thể sẽ đối diện với rất nhiều câu hỏi tưởng mới nhưng lại cũ, về khả năng khai thác, trình diễn lại lược sử thời gian. Sau những điệu cồng chiêng, những vũ điệu sôi động, bài ca kể về bến nước, dấu ấn văn hóa Tây Nguyên cần được tái phục lại để sinh động hơn, hoạt hóa hơn và hòa vào cuộc sống để biến thành sự việc…
Du khách hứng thú tìm hiểu về văn hóa thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Hữu Hùng |
Xây dựng đa dạng tour, tuyến bản địa
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, ngành văn hóa và du lịch địa phương đã có nhiều nỗ lực, tạo được những kết quả tích cực về nghiên cứu, phục dựng các giá trị bản sắc từ thời gian. Điển hình với vở ca kịch Đam San gần đây, cùng những điệu hát mừng, lời chúc thọ, câu chuyện theo lời vần được sưu tầm, đã đánh dấu những cố gắng không mệt mỏi mà các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu dốc lòng cống hiến.
Song, so với khối lượng đồ sộ về văn hóa và lịch sử đất người nơi đây, cố gắng của ngành văn hóa chỉ mới là một phần. Địa phương đang cần thúc đẩy tốt hơn những hoạt động này, với hy vọng ngày càng tiến xa hơn, tìm hiểu rõ hơn những dấu vết còn lại từ những thế hệ đi trước.
Du lịch là một nền tảng quan trọng tạo động lực. Trong xu thế vận hành, tái phục hoạt động du lịch vốn bị gián đoạn thời gian qua, ngành du lịch Đắk Lắk đang phải vạch rõ được các chặng hoạt động mới, gắn liền với văn hóa bản địa, lấy giao lưu, trải nghiệm văn hóa bản địa làm nền tảng thiết chế những tour, tuyến mới.
Khách du lịch trải nghiệm chế biến rượu cần. Ảnh: Hữu Hùng |
“Đây là nhược điểm, nhưng sẽ là ưu điểm của du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới, khi du lịch sẽ tính toán, áp dụng những sản phẩm, câu chuyện văn hóa thành sự kiện, cơ hội tiếp cận, mời chào du khách”, ông Hà nhận định. Ông ví dụ, vở ca kịch Đam San để trình diễn trọn vẹn sẽ tương thích với những đoàn du khách nghiên cứu sâu về văn hóa, phục vụ du lịch MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, khen thưởng…) cho địa phương; còn với du khách đi lẻ, theo tour, sẽ chỉ cần cắt đoạn, giới thiệu những phân khúc hay nhất. Việc trình diễn cũng không nhất thiết phải ở sân khấu lớn, mà có thể ứng biến ở các điểm tham quan, các sân khấu điểm đến… Tương tự như thế, biểu diễn văn hóa cồng chiêng, kể lại những câu chuyện vần… sẽ cần được các tụ điểm du lịch, các đơn vị lữ hành… hợp tác với ngành văn hóa, đưa nghệ nhân đến với du khách, đưa du khách vào sâu trong buôn làng…
Từ góc cạnh này, có thể thấy, du lịch Đắk Lắk dựa trên nền văn hóa thật sự sẽ là một cuộc cải tổ lớn. Văn hóa voi không còn du lịch cưỡi voi, mà sẽ là những câu chuyện về cuộc sống gia đình có người anh em là voi trong nhà, những món quà lưu niệm hình ảnh voi… Văn hóa cồng chiêng sẽ không chỉ có những khung nhà dài, những bếp lửa, mà có thêm những món ăn từ lễ buộc dây, mừng thọ, đi cùng vũ điệu mừng vui, sắp đặt hội nhập với âm nhạc bên ngoài…
Du khách Việt kiều Pháp nói trên khi chia tay đã nói, dấu ấn Tây Nguyên không chỉ mới có từ giọt cà phê, mà có từ khi con người lắng nghe tiếng muông thú trầm hùng vang vọng nơi đây. Dấu ấn đó cần được tiếp nối thêm bằng những khung cảnh thế giới mới, gắn hơi thở cuộc sống, như chính Bảo tàng Cà phê đang muốn thể hiện. Du lịch Đắk Lắk liệu có được sự kết nối bền vững ấy không, để có thể đón được nhiều du khách hơn, hãy bắt đầu từ dấu ấn văn hóa bản địa.
Thụy Bất Nhi