Để trả lời câu hỏi, làm sao khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học trong mỗi học viên từ trên ghế giảng đường, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường, Chủ nhiệm Khoa Hóa – Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường, Chủ nhiệm Khoa Hóa – Lý kỹ thuật. 

PV: Trong những năm qua, Khoa Hóa – Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự là một trong những khoa có nhiều thành tích ấn tượng trong công tác hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và ôn luyện đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc, xin đồng chí cho biết những kết quả đã đạt được?

Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường: Công tác nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên của Khoa trong 5 năm gần đây (2018-2023) đã thu được những thành tích đáng khích lệ: 100% đề tài hoàn thành đúng tiến độ, quá trình nghiệm thu đề tài tại các tiểu ban diễn ra nghiêm túc, công bằng và khách quan, trên cơ sở đánh giá xếp loại, Khoa lựa chọn các đề tài xuất sắc đề xuất báo cáo tại phiên toàn thể “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học”.

Trong số 47 đề tài thực hiện, có 10 đề tài xếp loại xuất sắc được tặng Bằng khen của Học viện; 8 đề tài xếp loại giỏi được tặng giấy khen; 5 đề tài được tham gia báo cáo tại Phiên toàn thể. Nhiều đề tài có định hướng ứng dụng cao, có tính mới có thể công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc các chuyên ngành về vật liệu lưu trữ năng lượng, vật liệu môi trường…

Học viên thực hành thí nghiệm.

Năm 2020, đề tài “Nghiên cứu tổng hợp chất khử nhiễm tác nhân sinh học sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp” do học viên Lớp Phòng hóa 52 đoạt giải Khuyến khích “Tuổi trẻ sáng tạo Quân đội” năm 2020. Trong các năm 2018, 2021 và 2022, Khoa có 1 đề tài đoạt giải ba, 1 giải nhì và 1 giải nhất trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn và Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Đặc biệt năm 2022, đề tài “Tổng hợp vật liệu NiCoFe-LDO, ứng dụng làm xúc tác trong xử lý môi trường” do nhóm học viên Nguyễn Hoàng Đức, Vi Thái Bình, Lớp Phòng hóa, K54 thực hiện, dưới sự hướng dẫn của PGS, TS Nguyễn Trung Dũng đã xuất sắc đoạt giải nhất trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ năm 2022, ngoài ra nhóm học viên này còn nhận được học bổng Năng lượng tương lai của AES Việt Nam.

Với các thành tích đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng bằng khen cho tập thể Khoa Hóa – Lý kỹ thuật đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2022.

Công tác tuyển chọn, ôn luyện đội tuyển tham dự các cuộc thi Olympic Vật lý, Hóa học sinh viên toàn quốc luôn được Đảng ủy, chỉ huy Khoa và các bộ môn quan tâm, chú ý. Trong các năm gần đây, các đội tuyển Olympic Vật lý, Hóa học của Học viện tham gia thường đoạt các giải cao, nhất là các phần thi thí nghiệm, thực hành. Điển hình như đội tuyển Olympic Vật lý của Học viện luôn đoạt giải nhất trong các kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc (đặc biệt năm 2022 đoạt giải đặc biệt; trong đó điểm thí nghiệm, thực hành đạt cao nhất trong các đội tham dự) với 3 giải nhất, 4 giải nhì. Đội tuyển Olympic Hóa học đoạt giải nhì đồng đội và cá nhân đoạt 3 giải nhất, 5 giải nhì, 2 giải ba kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc năm 2023.

Giảng viên trực tiếp hướng dẫn học viên thực hành thí nghiệm. 

PV: Theo đồng chí, đâu là động lực khiến Khoa Hóa – Lý kỹ thuật đạt được những thành tích này?

Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường: Các kết quả mà Khoa Hóa – Lý kỹ thuật đã đạt được trong công tác hướng dẫn học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học trong thời gian qua có nhiều yếu tố cộng hưởng lại.

Thứ nhất, đó là từ các chủ trương, chính sách của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với hoạt động nghiên cứu khoa học (cho mọi cán bộ, giảng viên) trong nhà trường nói chung và đối với việc nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên nói riêng – tạo cho các em niềm đam mê và thói quen nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ hai khi ngồi trên giảng đường đại học.

Thứ hai, đó là sự nhiệt tình hướng dẫn học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong đơn vị; nhất là các đồng chí cán bộ, giảng viên trẻ mới được đi đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài về.

Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự tham gia Kỳ thi Olympic Vật lý. 

Thứ ba, xuất phát từ truyền thống nghiên cứu khoa học của các thế hệ học viên trước để lại hoặc nói một cách khác là các học viên chuyên ngành Phòng Hóa, Công nghệ Hóa học của Khoa đều được các thầy cô khơi gợi sự đam mê, yêu thích các hoạt động khám phá, nghiên cứu khoa học. Trong các năm vừa qua, Đảng ủy, chỉ huy Khoa luôn yêu cầu các bộ môn xây dựng ngân hàng các đề tài để cho các học viên đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học. Khuyến khích mỗi nhóm có từ 2, 3 học viên trở lên; và có sự kết hợp giữa học viên các khóa với nhau. Các em ở khóa dưới khi chỉ mới học cơ sở ngành có thể tham gia cùng với các học viên khóa trên để học hỏi phương pháp nghiên cứu,…

Và một trong những lý do không kém phần quan trọng đem lại các kết quả nghiên cứu khoa học, đó là sự đầu tư trang thiết bị vật chất, phòng thí nghiệm của Quân đội, Học viện đối với Khoa trong thời gian qua. Đó là điều kiện cần để cán bộ, giảng viên, học viên trong Khoa thực hiện những đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

PV: Đặc thù của Khoa Hóa – Lý kỹ thuật là việc thực hành của sinh viên phải thực hiện trên các phòng thí nghiệm. Vậy làm sao để đảm bảo an toàn cho sinh viên, giảng viên trong quá trình tham gia các thí nghiệm, giúp công tác nghiên cứu khoa học được thuận lợi, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường: Kỹ năng thực hành đối với học viên, sinh viên là một trong những tiêu chí quan trọng trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Vì vậy, từ những năm đầu, học viên, sinh viên đã phải thực hành trong các phòng thí nghiệm Vật lý, Hoá học. Với đặc thù thí nghiệm, thực hành của ngành Hóa, Lý nên công tác đảm bảo an toàn là yêu cầu hàng đầu, học viên, sinh viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về các quy định an toàn, quy tắc làm việc trong các phòng thí nghiệm, cũng như được đào tạo các kỹ năng xử lý trong tình huống khẩn cấp… Hơn nữa, học viên, sinh viên luôn được các thầy cô giảng viên, kỹ thuật viên hướng dẫn cụ thể chi tiết và hỗ trợ trong suốt quá trình thí nghiệm.

 Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự nhận Giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022.

PV: Trong thời gian tới, Khoa Hóa – Lý kỹ thuật có những biện pháp gì để đẩy mạnh việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên đạt được kết quả tốt nhất?

Đại tá, PGS, TS Cao Hải Thường: Trước hết về mặt nhận thức, cần phải thông suốt từ lãnh đạo chỉ huy Khoa, Bộ môn đến toàn thể cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên và học viên, sinh viên hiểu được vị trí, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, từ đó phát huy lòng say mê nghiên cứu khoa học của học viên, tạo cơ hội cho học viên phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng phát triển ý tưởng khoa học.

Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, các học viên, sinh viên sẽ nắm được phương pháp từ tư duy đến hành động thực tế khi giải quyết một vấn đề cụ thể: Từ sưu tầm tài liệu viết tổng quan, tiến hành thí nghiệm, phân tích, đánh giá thảo luận các kết quả thu được để bố cục thành bản báo cáo tổng hợp, và đến cuối cùng là báo cáo nêu bật được kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng.

Các hoạt động này giúp cho học viên, sinh viên được phát triển toàn diện, trau dồi vững lý thuyết, thuần thục kỹ năng thực hành, rèn luyện bản lĩnh, tự tin khoa học và được đào tạo kỹ năng làm việc nhóm, đó đều là các phẩm chất, năng lực bắt buộc để hoà nhập và phát triển đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một mặt rất quan trọng đến chất lượng hoạt động hướng dẫn học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học đó là sự chuẩn bị từ phía đội ngũ cán bộ, giảng viên. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngân hàng các đề tài vừa giúp cho học viên cập nhật kiến thức khoa học mới, vừa bám sát nhu cầu thực tiễn của Quân đội. Vì vậy trong thời gian qua, cùng với chủ trương của Bộ Quốc phòng, Khoa đã xây dựng kế hoạch đưa các đồng chí giảng viên trẻ đi thực tế tại các đơn vị kỹ thuật trong toàn quân nhằm làm quen với các trang thiết bị kỹ thuật mới tại các đơn vị, đồng thời nắm bắt được các nhu cầu kỹ thuật tại đơn vị. Và khuyến khích, động viên các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học tích cực tham gia các Hội thảo khoa học, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo Quân đội, các cuộc thi Olympic Vật lý, Hoá học để tăng cường giao lưu, học hỏi, đồng thời khẳng định được chất lượng đào tạo. Qua đó thấy được những điểm mạnh cần phát huy và các mặt hạn chế để từng bước khắc phục, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HẢI YẾN (thực hiện)