Nắng nóng gay gắt trên diện rộng khiến nhu cầu điện tăng đột biến. Nhiều nơi trên cả nước đã phải cắt điện luân phiên. Thiếu điện cho sinh hoạt, sản xuất là nỗi lo lắng hiện hữu của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là chủ đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội những ngày qua. Các câu hỏi đặt ra là vì sao đất nước đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trong khi hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời đã xong với tổng công suất hơn 4.600MW lại không được hoàn thiện thủ tục vận hành thương mại để huy động? Trách nhiệm thuộc về ai và phương án tháo gỡ là gì?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đặt vấn đề, thời gian qua, trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp. Điều này không những không khuyến khích, ưu đãi các dự án điện gió, điện mặt trời như chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra mà có quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, làm khó các nhà đầu tư. Theo đại biểu, những bất cập về mặt chính sách đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự sống còn của doanh nghiệp. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc thu hút đầu tư vào NLTT có khả năng bị đóng băng, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu về an ninh năng lượng, giảm thải carbon. Còn đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu thực tế, trong khi chủ trương của Việt Nam luôn khẳng định khuyến khích đầu tư NLTT, nhưng những khó khăn của các dự án NLTT vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nếu không kịp thời tháo gỡ, đây cũng chính là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhân viên EVNHANOI kiểm tra vận hành thiết bị điện. Ảnh: TTXVN |
Trước những ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, không thể phủ nhận lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà chưa khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hầu hết chủ đầu tư các dự án đã chạy đua với thời gian nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành. “Thời hạn hết hiệu lực của chính sách giá FIT (giá ưu đãi cố định) đã được thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng chứ không phải dừng đột ngột. Đặc biệt, để không lãng phí nhưng cũng không hợp thức hóa cái sai, rất cần có ý kiến của các cấp thẩm quyền, sự chấp nhận, nỗ lực của các chủ đầu tư và sự vào cuộc của chính quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cập nhật tới ngày 2-6, đã có 65/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 3.643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.
Việc ưu tiên phát triển NLTT là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước và là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi năng lượng. Rút kinh nghiệm từ những bất cập trong thực tiễn thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương cần tránh việc thay đổi chính sách đột ngột, khiến các nhà đầu tư không thể dự báo và đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Trước mắt, cần nhanh chóng đàm phán, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cơ chế giá mua điện phù hợp với thực tiễn và hài hòa giữa bên mua điện với nhà đầu tư và người sử dụng. Bên cạnh đó, việc phát triển NLTT còn gắn liền với phát triển đường dây truyền tải (suất đầu tư cao, nguồn lực hạn chế, gặp khó khăn trong thủ tục, đền bù giải phóng mặt bằng…). Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ về nguồn và lưới điện để tránh thất thoát, lãng phí, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành NLTT.
KHÁNH AN