Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh, Bình Liêu sở hữu tiềm năng văn hóa đa dạng và khác biệt. Để phát huy tối đa lợi thế sẵn có này, những năm qua huyện đặc biệt chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới với 96% dân số là đồng bào Tày, Dao, Sán Chay… Ở Bình Liêu dù là bất cứ thôn, bản nào, những sắc màu văn hóa truyền thống cũng ẩn hiện trong từng nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân. Từ nhà trường tới công sở, từ học sinh đến công chức, viên chức, mọi người đều tự hào khi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc.
Ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu, nhận định: Người dân dần quay trở lại với trang phục truyền thống của dân tộc mình. Mọi người sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khi giáo dục con cái. Đó là những hiệu quả rõ rệt nhất, những chuyển biến tích cực nhất kể từ khi huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện uỷ về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2021.
Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ huyện tới cơ sở, tạo điều kiện, môi trường cho người dân sinh hoạt văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 6/6 nhà văn hóa cấp xã, 86/86 nhà văn hóa thôn bản, khu phố, trong đó 84/86 nhà văn hóa đạt chuẩn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, Bình Liêu cũng đang triển khai xây dựng bản văn hóa đặc trưng của 3 dân tộc (Tày, Dao, Sán Chay) nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc nhà ở, không gian sống, trang phục truyền thống, ẩm thực, dân ca, dân vũ đến các phong tục tập quán như cấp sắc, cưới hỏi.
Xác định người dân là chủ thể sáng tạo văn hóa, có vai trò nòng cốt trong giữ gìn, thực hành văn hóa, những năm qua, Bình Liêu đặc biệt quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, triển khai các mô hình CLB hát then, hát pả dung và soóng cọ tại nhà trường. Hiện Bình Liêu đang duy trì hoạt động hiệu quả 13 CLB trong các trường tiểu học và THCS.
Với 7 CLB văn nghệ cấp xã, 28 CLB cấp thôn, bản, khu phố, huyện Bình Liêu bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa theo phân kỳ ngân sách hàng năm, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB nghệ thuật dân gian với số tiền 50 triệu đồng/CLB. Đồng thời, mở lớp truyền dạy dân ca, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân gian, đưa các loại hình hát dân ca các dân tộc tham gia phục vụ công chúng.
Đưa các chất liệu văn hóa vào xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có của địa phương, những năm qua, Bình Liêu duy trì tổ chức thường xuyên và đổi mới về nội dung, cách thức, cách truyền thông đối với các hoạt động thể thao dân tộc, các ngày hội và lễ hội thường niên, như hội soóng cọ, hội kiêng gió, hội hoa sở, hội mùa vàng; tổ chức hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”, thi ẩm thực, trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống… Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, Bình Liêu đã và đang từng bước khôi phục và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong đời sống hiện đại, khai thác và đưa tài nguyên văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển KT-XH, xây dựng Bình Liêu ngày một giàu đẹp, văn minh.