(LĐ online) – Sáng 3/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông qua các báo cáo về tình hình triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và kết quả triển khai công tác lập quy hoạch.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có những chuyển biến, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 2,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị |
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu có chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… đã hỗ trợ tích cực, từng bước khởi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Các ngành, các địa phương đã tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngành giáo dục đang tích cực mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Ngành y tế theo dõi chặt chẽ những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, chủ động phòng ngừa các dịch, bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… còn gặp nhiều khó khăn. Du lịch có dấu hiệu chậm lại, lượng khách quốc tế giảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa dù có phục hồi nhưng vẫn giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh và chờ đợi cơ hội tích cực từ thị trường…
Triển khai các chương trình phục hồi và phát triển sản xuất, đến nay đã giải ngân hơn 88,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 157.095 tỷ đồng, đạt 22,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có 7 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch.
Quang cảnh hội nghị |
Các chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cả nước có 6.014/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.301 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 156 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới và 5 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Trong số 111 quy hoạch phải lập, có 19 quy hoạch đã phê duyệt, 8 quy hoạch đang trình phê duyệt, 38 quy hoạch thẩm định xong, 17 quy hoạch đang thẩm định, 19 quy hoạch đã lập, đang lấy ý kiến và đang lập 10 quy hoạch.
Nhìn chung, chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, tạo ra cơ hội phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch còn chậm so với yêu cầu.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu bộ, ngành, các địa phương báo cáo các kết quả nổi bật; đồng thời, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu lên các kiến nghị, vướng mắc gặp phải trong thời gian qua để Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ những tồn đọng của nền kinh tế.