Trong quý đầu năm 2023, kinh tế Bình Thuận tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở cả 3 trụ cột chính: Công nghiệp – Du lịch – Nông nghiệp, đặc biệt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,86% và đứng top đầu cả nước.
Nhưng cạnh đó, hiện địa phương vẫn đang tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương để tháo gỡ, qua đó tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tạo đà cho Bình Thuận vươn lên trong thời gian tới…
Báo cáo gởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã nêu một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng. Cụ thể là về: Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng hay như công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư và các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch… Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Bình Thuận cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương xem xét, tăng thêm gói hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường nước ngoài cũng như thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, tăng cường kết nối thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong tiêu thụ sản phẩm, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm quản lý…
Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, địa phương cho rằng vẫn còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư. Do vậy kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông trục đường ven biển trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Như đầu tư tuyến đường ven biển phía Nam kết nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tuyến đường ven biển phía Bắc kết nối tỉnh Ninh Thuận nhằm kết nối thuận lợi giữa Bình Thuận với vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ. Đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội – dân sinh cũng như củng cố thế trận bảo vệ an ninh – quốc phòng cho vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung. Trong đó có nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 55 đoạn từ Km52+640 – Km97+692, quốc lộ 28 đoạn từ nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến quốc lộ 1, tuyến đường ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển.
Vừa qua, Đoàn công tác của Chính phủ do ông Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Bình Thuận về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua báo cáo nội dung liên quan, địa phương tiếp tục kiến nghị với Đoàn công tác quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Một số vấn đề liên quan việc xử lý tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định. Hay như hướng dẫn việc chôn lấp tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp tro, xỉ, thạch cao không thể sử dụng, tái chế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08 (ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Và để tạo điều kiện, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo, nhất là ngành mũi nhọn du lịch thu hút khách quốc tế đến địa phương nhiều hơn, Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết thành Cảng hàng không quốc tế (đến năm 2030)…
Những nội dung mà Bình Thuận kiến nghị đã được tiếp thu và tổng hợp, qua đó tiếp tục báo cáo cấp thẩm quyền xem xét giải quyết, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương.