Dù Quốc hội Mỹ đã thông qua thỏa thuận vào phút chót để ngăn nước này vỡ nợ, Fitch vẫn giữ nước này trong diện theo dõi hạ bậc.
Trong thông báo đầu tiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ tối 1/5, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho biết vẫn giữ nguyên tình trạng của Mỹ là “theo dõi hạ bậc” (Rating Watch Negative). Từ nay đến cuối tháng 9, họ sẽ quyết định có hạ bậc hay không.
Dù đánh giá thỏa thuận trần nợ là “tích cực”, Fitch bày tỏ lo ngại về việc Mỹ liên tục rơi vào bế tắc đàm phán trần nợ và sự chia rẽ về đảng phái tại đây ngày càng trầm trọng. “Fitch tin rằng bế tắc chính trị và quyết định đình chỉ áp dụng trần nợ trước hạn chót đã hạ thấp niềm tin vào khả năng quản trị các vấn đề tài khóa và vay nợ của Mỹ”, thông báo cho biết.
Đây cũng là lý do khiến S&P năm 2011 hạ xếp hạng của Mỹ. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, bất chấp Quốc hội Mỹ khi đó đã thống nhất nâng trần nợ.
Fitch nhận xét “chất lượng quản trị đã xuống cấp dần trong 15 năm qua”. Trên CNN, Richard Francis – Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia tại Fitch cho biết “chất lượng quản trị tại Mỹ nhìn chung yếu hơn” so với các nước khác có cùng mức xếp hạng. Tuy nhiên, Mỹ lại có các điểm mạnh khác bù lại, ví dụ vai trò toàn cầu của USD.
Việc bị hạ xếp hạng sẽ làm tăng lãi vay của chính phủ Mỹ. Điều này buộc Washington trả lãi nhiều hơn, giảm chi cho giáo dục, y tế, quốc phòng và các ưu tiên khác.
Fitch là một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới. Tuần trước, họ thông báo xếp hạng của Mỹ vẫn ở mức cao nhất là AAA, nhưng nước này sẽ bị đưa vào diện “theo dõi hạ bậc” (Rating Watch Negative), do bất ổn quanh đàm phán trần nợ khiến Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Hà Thu (theo CNN)