Ở Việt Nam đang có xu thế tổ chức nhiều kỳ thi riêng nhằm phục vụ tuyển sinh đại học. Xu hướng này ngày một nhiều lên. Đến nay, đã có ít nhất 6 kỳ thi đánh giá năng lực học sinh mà các kỳ thi na ná giống nhau về cách ra đề cũng như thang điểm.
Điều này gây nên sự tranh cãi trong dư luận. Trong đó, không ít ý kiến phản đối, lo ngại về sự lãng phí tiền của của xã hội và gây phiền hà cho học sinh nếu như có quá nhiều kỳ thi chỉ phục vụ cho mục đích tuyển sinh đại học.
Để có thêm góc nhìn khách quan về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia.
Thưa ông, hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng các trường tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng, hiện có Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2 Trường Đại học Quốc gia, tới đây là khối ngành y tế, sức khỏe cũng có kỳ thi riêng. Ông bình luận gì về xu hướng này?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Có thể thấy việc các trường đại học Việt Nam tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng trong những năm gần đây đã và đang gây nhiều tranh luận trong xã hội .
Một số ý kiến cho rằng nó giúp các trường phát huy vai trò tự trị của mình trong việc tuyển chọn nguồn sinh viên đáp ứng được các phẩm chất và năng lực mà trường mong muốn.
Tuy nhiên, một số quan điểm khác đặc biệt chính bản thân các học sinh tham gia vào các kỳ thi tuyển sinh này lại thấy quá rắc rối, thậm chí nhiều khó khăn, tốn kém cho các em khi mỗi trường thiết kế riêng một kiểu tuyển dụng.
Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc Bộ chủ quản cần đi đến thống nhất một hình thức tuyển sinh chung toàn quốc, ngoại trừ một số ngành có tính đặc thù cần một số quy định riêng của trường.
Như vậy mới có thể giúp giảm thiểu tối đa những lãng phí và khó khăn không đáng có cho học sinh nói riêng và xã hội nói chung.
Hiện nay ở nước ngoài, việc tuyển sinh đại học áp dụng những hình thức nào, việc tổ chức nhiều kỳ thi như vậy liệu có phải là xu hướng chung?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Ở các quốc gia phát triển như Úc, mô hình tuyển sinh đại học và cao đẳng được thống nhất chung toàn quốc dưới 2 hình thức cho 2 đối tượng, học sinh trong nước (Domestic students) và học sinh quốc tế (International students).
Đối với học sinh trong nước, các em sẽ được tuyển sinh thông qua điểm của kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, với điểm học bạ của cấp 3 và điểm kỳ thi thử.
Cụ thể như sau: Điểm thi tốt nghiệp trung học – chiếm 50%. Điểm tổng kết trong 2 năm cuối của bậc trung học (điểm của các bài test định kỳ hay nói dễ hiểu hơn tương đương với điểm thi kết thúc mỗi kỳ học tại Việt Nam) – chiếm 25%. Điểm đạt được trong Trial Examination (kỳ thi thử) – chiếm 25%.
Để có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học và xét tuyển đại học, học sinh phải đáp ứng đủ 2 điều kiện bắt buộc dưới đây để có thể hoàn tất quá trình tốt nghiệp trung học và xét tuyển đại học tại Úc: Hoàn thành chương trình bậc trung học tại Úc.
Quá trình học tập của học sinh đã được thẩm định qua một kỳ thi cuối năm lớp 12, bao gồm 6 môn cùng bài kiểm tra General Achievement Test với môn bắt buộc là tiếng Anh và 5 môn tự chọn theo định hướng riêng của mỗi em.
Có thể thấy để được xét tuyển vào đại học các học sinh Úc phải có định hướng ngay từ những năm đầu cấp 3 và nỗ lực không ngừng trong suốt cả các năm trung học.
Đối với tuyển sinh dành cho học sinh quốc tế, các trường đại học Úc chủ yếu dựa vào điểm học bạ và điểm tiếng Anh của thí sinh.
Học sinh quốc tế không phải tham gia bất kỳ kỳ thi tuyển sinh nào. Với đối tượng này, các trường thường nới lỏng đầu vào và thắt chặt đầu ra vì đây là nguồn thu ngân sách chính của các trường đại học và cao đẳng Úc.
Xung quanh vấn đề này, ông còn có bình luận nào nữa không? Theo ông, để việc tuyển sinh đại học vừa tránh được phiền, tiết kiệm lại đảm bảo chất lượng đầu vào thì nên đi theo hướng nào?
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền: Giáo dục đại học Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều trường đại học Việt Nam đang ngày càng minh chứng rõ hơn năng lực đào tạo và nghiên cứu học thuật cũng như khả năng hội nhập quốc tế khi liên tục có những bứt phá ngoạn mục trên các bảng xếp hạng quốc tế uy tín như các đại học quốc gia, một số đại học tư thục …
Tuy nhiên, để tránh những lộn xộn như việc tuyển sinh trong thời gian qua, Bộ chủ quản cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc ban hành các chính sách đối với giáo dục đại học.
Chủ trương tự chủ đại học là xu hướng chung của giáo dục quốc tế nhưng ở đây cần phải nhận thức một cách đúng đắn là tự chủ về mặt học thuật chứ không phải là tự trị hoàn toàn.
Ngay cả các trường công của Úc họ tự chủ về học thuật để thúc đẩy phát triển một nền giáo dục khai phóng nhưng vẫn nhận các nguồn kinh phí đào tạo hàng năm từ chính phủ.
Hoàn toàn không có chuyện tự chủ là để mặc các trường tự lo kinh phí dẫn đến đổ lên đầu sinh viên khi học phí các trường tăng lên mà chất lượng đào tạo không tương xứng với học phí các em phải chi trả.
Điều này dễ dẫn đến hệ lụy tạo ra sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục đại học đối với đại đa số những gia đình có thu nhập thấp.
Con đường để vào đại học cho những em có học lực khá có thể phải nhường lại cho những em có học lực kém hơn nhưng có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn khi học sinh ở những gia đình khó khăn hơn ít có cơ hội theo đuổi giấc mơ của mình.
Xin cảm ơn ông!