(HNMO) – Chiều 3-6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã thông tin về các giải pháp cho tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc và bảo đảm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, về triển khai giải pháp cho tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn. Để bảo đảm nguồn cung về trang thiết bị, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8-11-2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với vấn đề thiếu thuốc đặc biệt chỉ xảy ra với thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm, không xác định được nguồn cung với các bệnh ít gặp và không lường trước được số lượng với các loại thuốc điều trị ngộ độc, huyết thanh…
Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024. Theo đó từ đầu năm 2023, Bộ đã công bố 4 đợt với tổng số 1.0572 thuốc, trong đó có 8.204 thuốc trong nước và 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin sinh phẩm được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành cho đến hết ngày 31-12-2024. Bộ cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm với số mới được cấp, hiện tại, đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại.
“Hiện nay cơ bản bảo đảm được nguồn cung thuốc trên thị trường. Trong thời gian tới, để tránh tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung để đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Về thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ cũng đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế cho các loại thuốc này và đang dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây là giải pháp bảo đảm có thuốc hiếm dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Về triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong nhiều năm qua, Bộ đã triển khai với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ. Mặc dù năm 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chương trình y tế của nhiều địa phương, song các tỉnh đã tăng cường tiêm chủng, tiêm bù mũi vắc xin, tiêm thêm mũi vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi… Với số lượng lớn trẻ em các vùng nguy cơ cao được tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét… đã góp phần kiểm soát được bệnh truyền nhiễm có vắc xin. Bộ cũng đã rà soát nguồn vắc xin gối đầu từ năm 2022 đến nay.
Đối với vắc xin sản xuất trong nước, số lượng đủ gối đầu đến tháng 7-2023, vắc xin viêm gan B, lao còn sử dụng đến 8-2023, vắc xin viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết 8-2023… Đối với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1, đã đủ dùng đầu năm 2023.
Năm 2022, Bộ đã tiến hành thủ tục đấu thầu vắc xin nhập khẩu nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Với sự quan tâm của Nhà nước, ngành Y tế đang quyết tâm cao nhất tháo gỡ vướng mắc cụ thể.