(Báo Quảng Ngãi)- Xã Bình Thuận (Bình Sơn) có diện tích khoảng 18,7km2, nhưng có đến 17 dự án đầu tư thực hiện kéo dài. Người dân trong vùng dự án mong muốn chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp thúc đẩy tiến độ thi công hoặc chấm dứt đầu tư, nếu không tiếp tục thực hiện, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Bất cập trong thu hồi đất
Nhiều người dân trong vùng dự án tuyến đường Bình Long – cảng Dung Quất phản ánh, vào năm 2007, UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư (TĐC) dự án này, tổng diện tích thu hồi 15,4ha (chia làm 2 giai đoạn). Giai đoạn 1 đã triển khai, hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) vào năm 2010. Còn giai đoạn 2, phần mặt bằng liên quan đến các tờ bản đồ số 1, 2, 3, 4 và phần mở rộng (tờ bản đồ số 8), UBND tỉnh đã có thông báo dừng, chưa triển khai thực hiện.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa được bố trí đất tái định cư. Trong ảnh: Thi công khu tái định cư Cà Ninh để bố trí tái định cư cho người dân xã Bình Thuận. |
Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất (hiện đã sáp nhập vào Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn) vẫn tiến hành chi trả tiền bồi thường gần hết cho các hộ dân. Năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất phối hợp với xã Bình Thuận làm việc với các hộ dân để chốt kinh phí đã bồi thường và thực hiện khấu trừ khi có dự án mới. Tuy nhiên, hơn 12 năm qua, giai đoạn 2 vẫn chưa triển khai và hiện cũng chưa có dự án mới nào triển khai trên phần diện tích này.
Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Bình Thuận mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu huyện Bình Sơn tập trung giải quyết nhưng quyền lợi chính đáng của người dân xã Bình Thuận, đặc biệt là xem xét hủy bỏ thông báo thu hồi đất đối với những dự án hoặc hạng mục dự án không còn hiệu lực. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tập trung rà soát các dự án, công khai để người dân biết về kế hoạch triển khai, không để người dân trong vùng dự án thiếu thông tin. Dự án nào không tiếp tục thực hiện thì xóa, tạo thuận lợi để người dân yên tâm sinh sống. |
Tương tự, dự án Xây dựng trụ sở làm việc và bãi kiểm tra hàng hóa Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất, do Cục Hải quan tỉnh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện từ năm 2011. Dự án được phê duyệt có tổng diện tích 8,79ha, có 18 hộ phải TĐC, với tổng số lô TĐC là 22. Khi GPMB có 3 hộ dân chưa đồng tình với cách tính tiền bồi thường đất, mặc dù phương án bồi thường đã được phê duyệt và 3 hộ dân này cũng đã có quyết định thu hồi đất. Vướng mắc này đưa ra giải quyết nhiều lần nhưng không đạt kết quả. Vì thế, Cục Hải quan tỉnh đã triển khai xây dựng trên phần diện tích đã GPMB xong, còn phần diện tích của 3 hộ dân này thì chừa ra (khoảng 1,11ha). Khi trụ sở xây dựng xong, vào năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao đất cho Cục Hải quan tỉnh, trong đó chỉ ghi nhận phần đã GPMB xong là 7,68ha.
Còn diện tích đất 1,11ha của 3 hộ dân dù tỉnh không giao cho Cục Hải quan tỉnh và cũng không giao cho dự án nào khác, tức là không còn nằm trong vùng dự án nào cả, nhưng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh vẫn chưa thực hiện các thủ tục “trả lại” cho người dân, khiến họ chịu rất nhiều thiệt thòi.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri xã Bình Thuận vào ngày 8/5, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ban Quản lý rà soát, xem xét từng trường hợp và đề xuất phương án xử lý tháo gỡ đối với phần diện tích đất hiện chưa có kế hoạch thu hồi, tạo thuận lợi cho người dân yên tâm sinh sống.
Gỡ khó cho người dân
Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất, TĐC Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio – Ethanol Dung Quất. Theo đó, có 15 hộ phải di dời với 19 suất TĐC. Tuy nhiên, do việc bố trí TĐC chưa kịp thời nên đến nay còn 10 hộ chưa nhận đất TĐC.
Khu vực đất nằm trong vùng dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio – Ethanol Dung Quất hiện đã dừng thực hiện, nhưng chưa hủy bỏ quyết định thu hồi đất cho người dân. |
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn, thì “thời điểm này, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio – Ethanol Dung Quất gặp sự cố, dừng sản xuất và làm thủ tục bàn giao lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Do đó, chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán dự án nên không còn nguồn kinh phí để chi trả các khoản bồi thường còn nợ cho người dân”. Phản ánh về những khó khăn này, chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận cho biết, người dân đã cầm trong tay đầy đủ giấy tờ, chờ nhận bồi thường mà hơn 10 năm chưa thấy chi trả. UBND huyện Bình Sơn cần kiến nghị tỉnh xem xét hủy bỏ quyết định thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Tình trạng này cũng xảy ra tại dự án Tuyến nhánh rẽ 1km vào đường ống dẫn dầu, thuộc dự án thành phần II đoạn Bình Long – cảng Dung Quất triển khai năm 2008. Dự án có 50 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 9 hộ thuộc diện TĐC. Công tác bồi thường, TĐC đang triển khai thuận lợi, thì đến ngày 22/7/2010, Ban Quản lý dự án đoạn Bình Long – cảng Dung Quất thuộc Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh ra thông báo về việc dừng thực hiện chi trả kinh phí bồi thường và đề nghị quyết toán dự án.
Sau đó, năm 2016, UBND tỉnh có thông báo thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, GPMB các tuyến đường trục vào KCN phía đông Dung Quất, trong đó có tuyến số 7 (trước đây là tuyến đường 1km nói trên). Trên cơ sở đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn triển khai kiểm kê tài sản, đất đai. Tuy nhiên, đến ngày 1/6/2018, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND huyện Bình Sơn không ban hành quyết định thu hồi đất do cấp có thẩm quyền chủ trương không bố trí kinh phí để tiếp tục đầu tư dự án đường trục vào KCN phía đông Dung Quất nữa; đề nghị huyện xem xét hủy thông báo thu hồi đất của người dân. Thế nhưng, hiện tại UBND huyện Bình Sơn vẫn chưa ban hành văn bản hủy bỏ thông báo thu hồi đất cho các hộ dân này. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng, huyện đang rà soát từng trường hợp, để hủy bỏ thông báo thu hồi đất sớm nhất cho các hộ dân nói trên.
San lấp mặt bằng nhưng chưa bồi thường
Người dân xã Bình Thuận phản ánh, dự án Tuyến đường Trì Bình – cảng Dung Quất (phần mở rộng trước khu dịch vụ Bình Sơn) hiện chưa được bồi thường, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã tự ý san lấp mặt bằng.
Xác nhận vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết, tại mặt bằng dự án Tuyến đường Trì Bình – cảng Dung Quất, UBND huyện Bình Sơn đã ban hành quyết định thu hồi đất đợt 1 với diện tích 5.474m2; phần diện tích còn lại là 3.365m2 (gồm 5 thửa). Đến nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh vẫn chưa đề nghị UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân gồm Lê Thị Bước, Nguyễn Phước Thành, Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Bút nhưng đã cho san lấp mặt bằng trên phần đất của các hộ dân này.
Tại buổi làm việc giữa UBND xã Bình Thuận với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Dung Quất (thuộc Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) vào ngày 16/12/2021, Ban Quản lý dự án này cam kết lập đầy đủ thủ tục hồ sơ thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 4 hộ dân chậm nhất đến tháng 5/2022. Tuy nhiên, đến nay cam kết này vẫn chưa được thực hiện.
CẦN XÓA DỰ ÁN TREO
Dự án Kho ngầm ngoại quan chứa dầu thô và xăng dầu tại KKT Dung Quất được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016 cho Công ty TNHH MTV PVOS Bình Sơn để thực hiện. Tổng diện tích dự án khoảng 38ha, tổng giá trị bồi thường được huyện Bình Sơn phê duyệt (vào năm 2017, 2018) khoảng 75 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, huyện Bình Sơn đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư chuyển kinh phí để chi trả cho hộ dân, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: