Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mức độ tiêu thụ trên toàn quốc rất cao khiến nhiều nơi bị cắt điện luân phiên. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đến thời điểm cuối tháng 5/2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm; riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh. Có 8/12 hồ thủy điện ở miền Bắc có mực nước bằng và gần mực nước chết.
Một số hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã có mực nước rất thấp và nguy cơ về mực nước chết nếu tình hình thủy văn không được cải thiện, cụ thể như: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Bà. Thậm chí nước một số hồ thủy điện như Lai Châu, Hủa Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang không đủ một ngày huy động phát điện.
Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.
Điển hình tại thời điểm ngày 1/6/2023 các tổ máy nhiệt điện than ở phía Bắc đang bị sự cố gồm có: Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, S2 Cẩm Phả, S1 Vũng Áng 1, S2 Nghi Sơn 2, S2 Mạo Khê, S1 Quảng Ninh, S2 Thăng Long, S1 Sơn Động.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Mặc dù chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm và kéo dài nhưng mức độ tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia ghi nhận ngày 19/5 vừa qua đã tăng lên mức rất cao, hơn 924 triệu kWh/ngày – cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; công suất tiêu thụ cực đại cũng lên tới 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 6/2023, miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục còn tăng cao hơn trong các ngày tới.
EVN mong khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện, từ 11h30-14h30 và từ 20h00-22h00 hàng ngày; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Bên cạnh đó, EVN cũng khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, nâng cao tuổi thọ cũng như tiết kiệm điện và chi phí; rút phích cắm khi không sử dụng.
Để đảm bảo cung ứng điện trong những tháng nắng nóng, đại diện EVN cho biết, ngành điện đã tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tuyên truyền tiết kiệm điện, tới các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng, các đơn vị chiếu sáng công cộng, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư; đồng thời liên tục truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C.
Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng điện của người dân tăng cao trong những ngày nắng nóng, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp tốt nhất để có thể đủ điện sử dụng.
Tiết kiệm điện và triệt để tiết kiệm điện là vấn đề không thể làm khác nếu muốn đảm bảo đủ điện cho người dân sử dụng.