Đạp sóng vươn khơi
Theo ánh mắt đăm chiêu của những người phụ nữ nhìn ra hướng biển, khi những chiếc thuyền cùng người đàn ông của họ khuất xa dần, tôi thấy lòng mình cũng thấp thỏm theo. Tận mắt chứng kiến các ngư dân tập trung cao độ để điều khiển những con thuyền vượt sóng mới thấy được sự vất vả vô chừng của nghề biển gần bờ.
Mùa hè, mùa đi biển, mùa câu mực. Mùa “kiếm gạo” của ngư dân, nhưng đây cũng là mùa của những ngày gió nồm nổi, ngư dân phải “quăng quật” với từng cơn sóng dữ để vững tay lái, vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản. Gió càng thổi mạnh, những chiếc thuyền càng chao đảo, đứng trong bờ nhìn ra thấy ước chừng như những cơn sóng có thể nuốt chửng những chiếc thuyền đang chao đảo. Nhưng bằng kinh nghiệm, sức khỏe của mình, ngư dân vẫn vững tay điều khiển những chiếc thuyền ngược sóng lao lên, hướng ra biển cả.
Hình như tất cả các ngư dân có thuyền ở làng biển Phú Diên đều hoạt động tối đa công suất để đi câu mực. Họ vươn khơi lúc chiều tối và trở về vào sáng hôm sau. Mặc dù những ngày nồm, sóng mạnh nhưng họ vẫn luôn vững tay lái để vươn khơi, kiếm thêm thu nhập.
“Thấy sóng dữ, gió thổi mạnh vậy đó, nhưng khi vượt qua được những đợt sóng xô bờ, ra xa là biển yên ắng hơn. Mặc dù câu mực không đi bạn, thuyền ai câu nấy, nhưng ra biển chúng tôi thường xuyên liên lạc, hỏi han nhau, đề phòng những sự cố nên cũng không có gì đáng ngại lắm”, chú Cảng (Phú Diên, Phú Vang) trấn an. Rồi chú dang đôi tay vững chãi lựa khi con sóng xô bờ, lợi dụng sức nước đẩy chiếc thuyền ra xa, nhanh chân đạp lên mạn thuyền và nổ máy ra khơi. Hành trang chú Cảng mang theo là một bình nước lọc, một thố cơm, ít thức ăn và một cái vợt cùng đồ câu.
Tầm 5 giờ sáng các thuyền bắt đầu cập bến, nhưng chưa đầy 4 giờ, những người phụ nữ làng biển đã í ới gọi nhau ra biển, đợi thuyền về. Biển vẫn tối sẫm, nhưng xa xa vẫn thấy được những ánh đèn sáng xanh của hàng chục chiếc thuyền câu.
Trong những câu chuyện họ nói với nhau, mùa hè không chỉ là mùa hải sản được giá, thêm món ngon để họ nấu cho chồng, con mình mang theo đi biển mà còn là mùa của những nỗi lo, những giấc ngủ chập chờn khi người đàn ông của họ xuyên đêm ngoài khơi.
Mỗi chiếc thuyền cập bến, là lúc những khuôn mặt rám nắng của những người phụ nữ làng biển rạng ngời, như ánh bình minh đang dần ló rạng trên biển. Niềm vui của họ chính là những trụ cột gia đình bình an trở về sau một đêm dài lênh đênh trên biển.
Lộc biển
Với ngư dân đánh bắt gần bờ dọc các bờ biển Phú Vang, mùa câu mực là mùa biển nhọc nhằn, nhưng cũng là những ngày có thu nhập khá, trung bình từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/đêm.
“Vất vả khi vượt sóng thôi, chứ ra tầm cây số là có thể thả câu được rồi. Ngồi câu cũng không cực lắm đâu, vất vả nhất là phải chong mắt thức trọn đêm, thi thoảng thấy cá bơi lội dưới ánh đèn pha có thể nhanh tay vợt lên nữa. Khi trúng luồng mực đi, thả câu, kéo câu gỡ mực liên tục đã lắm. Đồ nghề là những chiếc cần câu bằng tre, dài hơn sải tay. Khi mồi nhử được thả xuống, phía dưới cái mồi nhử là một chùm lưỡi câu. Mực thấy ánh sáng đèn sẽ kéo đến, các mồi nhử trôi trong nước, chúng tưởng là mồi thật nên bám sát lại và bị dính câu. Giống mực ưa ánh sáng và ham mồi. Cứ thấy ánh sáng là kéo tới và khi đã nhìn thấy mồi là không bao giờ bỏ cuộc nên chúng tôi chỉ cần thả câu xuống, thỉnh thoảng giật cước để lưỡi câu lên xuống, như hình con cá đang bơi. Câu mực đơn giản vậy đó. Hên thì chỉ thả câu vài phút là dính, không thì đợi cả tiếng”, mặc dù trở về sau một đêm thức trắng nhưng chú Thắng (Phú Diên) vẫn sảng khoái chia sẻ.
Nhìn những con mực còn nhấp nháy được sắp ngay ngắn trong từng chiếc rổ hình chữ nhật, được sắp theo kích thước mới thấy ngư dân quý trọng sức lao động của mình như thế nào. Bởi lẽ, kiếm được đồng tiền từ biển cả chưa bao giờ là ít nhọc nhằn, dù mùa biển êm hay mùa gió chướng.
6 giờ sáng, mặt trời cũng đã tỏa những tia nắng chói chang, sáng bừng cả bãi biển, những chiếc thuyền câu mực cuối cùng cũng cập bến, người ít thì 3kg, người nhiều thì trên dưới 5kg. Sau khi phụ chồng quay thuyền lên bờ, những người phụ nữ tất bật bưng những rổ mực tươi đi bán cho kịp chợ sáng, còn những ngư dân cũng thong thả gói ghém đồ nghề, sải những bước chân chắc nịch, khỏe khoắn băng qua bãi biển, trở về nhà ngủ bù để chiều tối có sức cho chuyến câu tiếp theo.
“Những người theo nghề biển gần bờ ở các làng biển Phú Diên của chúng tôi cũng bắt đầu “đứng tuổi”, cũng có không ít thanh niên trẻ kế nghiệp. Nhưng, thế hệ của chúng tôi không có nghề gì khác ngoài đi biển, đi biển riết “yêu biển” lúc nào không hay, không đi là thấy thiếu, thấy buồn tay, buồn chân lắm. Còn giờ, chúng nó có nhiều sự lựa chọn hơn thì không biết có gắn bó lâu dài với cái nghề quanh năm lênh đênh trên biển, vật lộn với sóng, với gió, với nước này được không. Biển thì mùa nào thức nấy, hôm được, hôm thua, không phải giàu nhưng cũng không đến nỗi gì, cứ “siêng nhặt là chặt bị”, kiếm tiền triệu mỗi ngày là chuyện thường. Nghề gì cũng vậy thôi, lao động chân tay là vất vả rồi, nhưng nhìn những thành quả mỗi ngày, những sản vật mang về tươi xanh, óng ánh là vui lắm. Vui hơn nữa là khi thuyền cập bến thấy ngay “mụ vợ” đợi sẵn cùng nụ cười rạng ngời”!
Cứ vậy, cuộc đời ngư phủ tuy lắm nhọc nhằn nhưng cũng bình yên, hạnh phúc.