Đờn ca tài tử (ĐCTT) là một trong những loại hình được Hậu Giang đặc biệt quan tâm và từng bước tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy, tạo thêm nhiều sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, truyền nghề.
Các nghệ nhân luôn được tập huấn để nâng cao kỹ năng trình diễn.
Chú trọng thực hành, truyền nghề
Thực hành để đờn giỏi, hát hay là một trong những điều mà Trung tâm Văn hóa tỉnh tập trung chỉ đạo trong toàn hệ thống, để hỗ trợ kiến thức chuyên môn cho các nghệ nhân đờn ca, giúp họ tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn các bài bản tài tử. Mới đây, với khóa tập huấn 20 ngày, do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, đã thu hút 30 nghệ nhân đờn, ca đến từ các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở các địa phương. Nghệ nhân Hoa Màu, thành viên CLB ĐCTT thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia lớp học. Vào đây, được nghe nghệ nhân am hiểu về đờn ca tài tử không chỉ truyền kiến thức, mà còn truyền lửa, để mình khắc phục những hạn chế, biết thêm nhiều thể thức và thêm yêu môn này, thấy được trách nhiệm trong việc tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê”.
Tập huấn là một trong những cách giúp các nghệ nhân trong tỉnh có thêm nhiều kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về loại hình nghệ thuật này. Điểm đặc biệt là sau quá trình học, thầy và trò cùng xây dựng một chương trình nghệ thuật ĐCTT để báo cáo tổng kết, chuyển tải đến người xem nét độc đáo của loại hình này qua việc tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức đã học. Nhiều lần đến với Hậu Giang để truyền dạy, nghệ nhân ưu tú Phan Minh Đức, giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Mỗi lần tôi được gặp những học viên mới và các bạn đều yêu ĐCTT, mong muốn được tiếp thu kiến thức một cách nhiều nhất có thể. Từ đó, 20 ngày thầy trò gặp nhau qua rất nhanh. Tôi tin rằng đây là những người tiếp tục làm nòng cốt, giữ lửa và truyền nghề, góp phần làm cho đờn ca tài tử tiếp tục sống trong cộng đồng”.
Nâng chất, tạo nhiều sân chơi
CLB ĐCTT là một trong 4 câu lạc bộ khung trong hệ thống trung tâm văn hóa. Các nghệ nhân ở các xã, phường, thị trấn luôn được địa phương tạo điều kiện thành lập các CLB để sinh hoạt định kỳ. Toàn tỉnh có gần 100 CLB, đội, nhóm, với hơn 1.000 nghệ nhân. Việc tổ chức tập luyện trong hệ thống các trung tâm được đặc biệt quan tâm, để những nghệ nhân ở các CLB này đủ kỹ năng trình diễn và gắn kết, hỗ trợ các địa phương tạo sự đa dạng, phong phú và nâng chất đồng bộ các CLB từ tỉnh đến cơ sở.
Bà Huỳnh Thị Hoa Đậm, Chủ nhiệm CLB ĐCTT thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “CLB của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh luôn là lực lượng nòng cốt và chúng tôi thường tổ chức giao lưu với các CLB cấp xã, phường. Trên địa bàn có khoảng 100 nghệ nhân đang sinh hoạt ở các CLB, ngày càng có nhiều CLB tổ chức sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng. Ở những điểm sinh hoạt thường xuyên, chúng tôi kết hợp tổ chức những buổi truyền nghề, để những ai yêu thích đều có thể đến để học. Điều làm chúng tôi vui là các CLB ngày càng thu hút những người yêu thích đến sinh hoạt. Các nghệ nhân thì luôn say mê, nhiệt huyết, sáng tạo trong việc tổ chức sinh hoạt định kỳ để từng bước nâng chất”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh tập trung nâng chất CLB ĐCTT từ tỉnh đến cơ sở và hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng một CLB ĐCTT chất lượng, gắn kết xây dựng chương trình giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương, đủ khả năng phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch khi có nhu cầu. Đây cũng là hướng mở, để các CLB ĐCTT cơ sở nâng tầm chất lượng, giúp các nghệ nhân có thêm cơ hội tăng thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê lâu dài.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án bảo vệ và phát huy đờn ca tài tử trong những năm tiếp theo và khi được ban hành, triển khai thực hiện, sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ hội để phát huy loại hình này. Chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động của CLB ĐCTT của trung tâm và trong toàn hệ thống; tiếp tục tổ chức sinh hoạt định kỳ và giao lưu giữa các CLB cấp tỉnh, huyện với địa phương để vừa tạo phong trào, vừa nâng cao chất lượng. Sắp tới, chúng tôi tổ chức hội thi nghệ thuật ĐCTT, tiếp tục là cuộc rà soát đánh giá chất lượng để có hướng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bảo tồn và phát huy, tạo sức sống, lan tỏa một cách thiết thực”.
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ