Trước tình hình nắng nóng khắc nghiệt kéo dài trên địa bàn Bắc miền Trung, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 4 và ban, ngành, chính quyền địa phương đã chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế.
Phòng ngừa, phát hiện kịp thời
Trong phòng làm việc của đồng chí Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) chất đầy các phương tiện chữa cháy như máy thổi, vỉ dập lửa cùng hàng chục chiếc ba lô đã đựng sẵn vật chất, nhu yếu phẩm. Xã Thanh Lâm là địa bàn trọng điểm về cháy rừng. Trước đây, mỗi năm địa phương này có từ 6 đến 10 vụ cháy. Vài năm trở lại đây, số vụ cháy giảm hẳn, theo cán bộ xã, nguyên nhân quan trọng là do địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống cháy rừng.
Đồng chí Lê Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thanh Lâm kể: “Tháng 4 vừa rồi, trên địa bàn đã xảy ra một vụ cháy nhỏ do người dân đốt thực bì không cẩn thận nên cháy lan sang cánh rừng thông. Ngay sau khi phát hiện, UBND xã đã huy động 15 đồng chí dân quân cùng các phương tiện gồm 3 máy thổi, vỉ dập lửa… Nhờ phát hiện sớm, huy động lực lượng nhanh, chuẩn bị sẵn phương tiện tại chỗ nên trong vòng 30 phút, chúng tôi đã nhanh chóng dập tắt đám cháy”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: HOÀNG THÁI |
Trong những năm qua, LLVT Quân khu 4 xác định phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” và LLVT chính là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết: “Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống cháy rừng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn và nơi đóng quân.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị củng cố lực lượng, phương tiện, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh. Đặc biệt, trong phòng, chống cháy rừng thì việc phòng ngừa, phát hiện đám cháy kịp thời là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Do đó, chúng tôi quán triệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, tổ chức tuần tra, canh gác chặt chẽ những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, kịp thời báo cáo khi có tình huống xảy ra”.
Lữ đoàn Công binh 414 đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý rừng xây dựng kế hoạch cụ thể trong phòng, chống cháy rừng. Lữ đoàn có một đại đội công binh chuyên trách được trang bị các loại phương tiện phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có các tình huống cháy rừng xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414, cho biết: “Trước thời điểm nắng nóng, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng đi khảo sát, tạo đường băng cản lửa, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để có thể cơ động được ngay khi có tình huống cháy. Trong huấn luyện, diễn tập, Lữ đoàn chú trọng hướng dẫn các kỹ năng, kỹ thuật chỉ huy chữa cháy rừng; cách thức, phương pháp dập lửa nhanh nhất, bảo đảm an toàn về người, phương tiện”.
Ngày 2-6, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng. Tình huống giả định là vào lúc 12 giờ, tại điểm cao 50 thuộc thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện một đám cháy. Do thời tiết nắng nóng kết hợp gió Tây Nam thổi mạnh, lực lượng tham gia chữa cháy ban đầu mỏng, đám cháy lan rộng nên không thể khống chế.
Gần 800 cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, dân quân tự vệ và nhân dân mang theo các phương tiện như máy bơm nước, máy thổi, vỉ dập lửa, máy cưa tham gia chữa cháy. Trong quá trình chữa cháy có người bị thương do bom, mìn trong chiến tranh còn sót lại, có người ngạt khói, đuối sức do say nắng, say nóng. Hàng trăm người theo sự phân công tỏa ra các hướng chiến đấu với giặc lửa, đồng thời cấp cứu người bị thương.
“Vụ cháy rừng” này là đợt kiểm tra năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác chữa cháy rừng; giúp các thành phần tham gia chữa cháy nắm được quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện để không bị động, lúng túng khi có tình huống xảy ra.
Cần đầu tư phương tiện hiện đại
Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương (Nghệ An) được giao quản lý, bảo vệ hơn 22.000ha, trong đó có 16.800ha rừng phòng hộ với chiều dài hơn 20km. Mùa nắng nóng cũng là thời điểm học sinh được nghỉ hè, tham gia hoạt động du lịch sinh thái trong rừng; người dân vào rừng đốt tổ ong lấy mật, đốt thực bì, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) báo động kiểm tra lực lượng, phương tiện phòng, chống cháy rừng. Ảnh: HOÀNG THÁI |
Trước đây, Thanh Chương là địa bàn thường xuyên xảy ra cháy rừng nhưng riêng khu vực rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương hơn 10 năm nay chưa xảy ra cháy do làm tốt công tác quản lý và bảo vệ. Để có được kết quả đó, Ban Quản lý rừng xác định trước hết phải nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ rừng. Do đó, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý rừng đã tổ chức 8 cuộc tập huấn với đối tượng tham gia là các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng, sống gần rừng, cán bộ thôn, lực lượng dân quân tự vệ…
Nội dung tập huấn gồm các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng và kỹ thuật phòng, chống cháy rừng. Ban Quản lý rừng cũng thành lập lực lượng cơ động chữa cháy gồm 15 đồng chí được trang bị các phương tiện chữa cháy cầm tay cùng quần áo bảo hộ, giày, ba lô, võng, can đựng nước. Khi đi chữa cháy rừng, trong ba lô của mỗi người sẽ có đầy đủ tư trang, vật chất, lương thực, nước uống đủ cung cấp cho hai ngày làm nhiệm vụ.
Thực tế hiện nay, tại Quân khu 4 cũng như một số địa phương khác, công tác chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn bởi trang bị, phương tiện còn thô sơ, chủ yếu là máy thổi, vỉ dập lửa, cành cây. Việc ứng dụng các công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại vào chữa cháy rừng hầu như chưa có. Từng tham gia chỉ huy lực lượng chữa cháy rừng các năm trước, Thượng tá Nguyễn Quốc Long chia sẻ: “Phương tiện chữa cháy chủ yếu là phương tiện thô sơ, cầm tay nên khi chữa cháy rừng phải tốn nhiều nhân lực, sức lực. Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy chủ yếu là kiêm nhiệm, bán chuyên trách nên trình độ, kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy còn có những hạn chế nhất định”.
Công tác trong ngành bảo vệ rừng hơn 30 năm, bất kể vụ cháy rừng nào trên địa bàn huyện, ông Lê Phùng Thiều, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương đều có mặt tham gia chữa cháy, tham mưu về chuyên môn cho ban chỉ huy hiện trường biện pháp chữa cháy hữu hiệu.
Ông Lê Phùng Thiều nêu ý kiến: “Trong công tác chữa cháy rừng, tùy từng cấp sẽ có lực lượng tại chỗ của cấp đó, tuy nhiên lực lượng nòng cốt vẫn là Quân đội. Chúng tôi thấy rằng, công tác chữa cháy rừng muốn hiệu quả thì cần phải trang bị thêm công nghệ mới phục vụ bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Đơn cử như một chiếc flycam sẽ giúp quan sát bao quát từ trên cao, đánh giá được quy mô, mức độ đám cháy để từ đó bố trí lực lượng, đường đi, cách thức chữa cháy, nhưng hầu như chưa một đơn vị chuyên trách nào được trang bị”.
Nắng nóng diễn ra ngày càng gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. LLVT Quân khu 4 và chính quyền địa phương đang tổ chức theo dõi, ứng trực với phương châm “phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời” hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản.
HOÀNG HOA LÊ