Người mắc bệnh tuyến giáp có các triệu chứng thay đổi cân nặng, nhạy cảm nhiệt độ, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt…; nên khám và điều trị để tránh biến chứng.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể ổn định. Tuy nhiên, khi tuyến giáp tăng hoặc giảm sản xuất hormone, có những thay đổi bất thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người bệnh cần nhận biết dấu hiệu sớm để có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Những dấu hiệu của bệnh về tuyến giáp gồm: thay đổi cân nặng; nhạy cảm với nhiệt độ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, trầm cảm, lo lắng. Một số người gặp các vấn đề ở cổ hoặc họng như sưng, đau, khó nuốt hoặc thở, khàn giọng… Da khô hoặc phát ban bất thường, tóc dễ gãy rụng, móng tay giòn cũng cảnh báo bệnh tuyến giáp.
Bác sĩ Tiến Vũ cho biết, bệnh tuyến giáp còn gây ra các triệu chứng liên quan đến các bệnh về tiêu hóa. Suy giáp có thể gây táo bón dai dẳng, trong khi cường giáp gây tiêu chảy, phân lỏng hoặc hội chứng ruột kích thích. Bệnh tuyến giáp nếu kéo dài có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ sẩy thai, thậm chí vô sinh. Một số người gặp các vấn đề về mắt như mắt đỏ, sưng, mờ hoặc chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh có thể bị sa sút trí nhớ, giảm khả năng tập trung…; đau cơ, khớp hoặc hội chứng ống cổ tay.
Tuyến giáp giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Cơ quan này có nhiệm vụ bài tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine), hỗ trợ quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Tuyến giáp hoạt động bất thường sẽ gây một số bệnh gồm: cường giáp, suy giáp, bướu giáp, ung thư tuyến giáp… Bệnh tuyến giáp nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:
Tuyến giáp hoạt động kém: Suy giáp có thể gây một loạt các biến chứng phì đại tuyến giáp, bướu cổ, gặp các vấn đề về tim mạch, giảm chức năng thận. Các vấn đề sức khỏe tâm thần, hôn mê phù niêm…; tổn thương thần kinh như: ngứa ran, tê, đau ở chân, cánh tay hoặc các vùng bị ảnh hưởng khác. Dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc sinh non cũng có thể là biến chứng của bệnh tuyến giáp.
Tuyến giáp hoạt động quá mức: Cường giáp có thể dẫn đến một số biến chứng về mắt như: mắt lồi, mờ, thậm chí mất thị lực; nhịp tim nhanh, suy tim; loãng xương, da đỏ, sưng tấy, xảy ra ở cẳng chân và bàn chân; nhiễm độc giáp…
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Trong đó, iốt giúp cân bằng, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp iốt mà phải cung cấp qua đường ăn uống. Người bệnh suy giáp có thể chọn thực phẩm giàu iốt như rong biển, tảo bẹ, hải sản và sử dụng mức độ vừa phải. Người bị cường giáp cần hạn chế thực phẩm giàu iốt. Bổ sung trái cây và rau xanh: mồng tơi, diếp cá, rau muống… giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều.
Nhóm axit béo, omega 3 có trong cá hồi, thịt bò, tôm…; sữa chua ít béo chứa nhiều iốt, vitamin D tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều… là nguồn cung cấp magie cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, E và các khoáng chất khác hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả. Người bệnh nên bổ sung selen có trong thịt bò, gà, cá, hàu, phô mai…
Bác sĩ Tiến Vũ khuyên người dân kiểm tra sức khỏe định kỳ và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Khi phát hiện những bất thường ở cổ hoặc bất cứ vấn đề liên quan đến sức khỏe, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, tư vấn điều trị. Việc phát hiện và chữa trị sớm giúp ngăn bệnh diễn tiến nặng.
Nguyễn Vân