Hà NộiTrong căn phòng 7 m2, đồ đạc ngổn ngang, chị Vũ Thị Mai, 55 tuổi, mồ hôi chảy thành dòng, khó thở nhưng không dám mở điều hòa.
Chị Mai là bệnh nhân gần 20 năm tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, cách Bệnh viện Bạch Mai khoảng vài cây số. Nơi này nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ chiếc xe máy đi lại. Phòng của chị Mai ở phía đầu, khoảng 7 m2 nhưng đồ đạc xếp chật kín, tường lợp fibro xi măng, nóng như “lò bát quái”. Càng về trưa, mặt trời lên đỉnh đầu khiến không khí thêm ngột ngạt, khó chịu.
Ngoài chị, xóm có hơn 100 người khác gồm bệnh nhân lẫn người nhà, chịu chung cảnh tương tự. “Kiệt quệ lắm nhưng không dám bật điều hòa vì không đủ tiền chi trả. Nhiều hôm nóng không ngủ được, mọi người kéo nhau ra hè nói chuyện cả đêm”, chị Mai kể, hôm 1/6.
Để chống nóng, chị và nhiều người khác đến viện sớm, chờ chạy thận, sau đó ngồi đến tắt nắng mới về. Nắng nóng khiến người phụ nữ lười ăn cơm, thi thoảng ăn cháo, mì tôm cho qua bữa nên cơ thể ngày càng gầy rộc. Tuy nhiên, bệnh nhân chạy thận không được uống nhiều nước, càng khiến cơn nóng dữ dội hơn, cổ họng lúc nào cũng khô rát. “Nếu khát thì nhấp nước chứ không nuốt cho có cảm giác, song khi nóng quá cũng làm liều uống một ngụm”, chị nói.
Ngoài lịch chạy thận, người phụ nữ kiếm sống bằng cách bán nước buổi trưa ở bệnh viện. Nhiều lần bị bảo vệ đuổi, chị lén giấu nước trong người, lủi thủi đi về.
Đi sâu vào trong, bà Nguyễn Thị Sinh, 78 tuổi phải bật cùng lúc ba chiếc quạt để làm mát căn phòng 10 m2. Ngồi trên giường, bà vừa xoa bóp, vừa thấm nước vào khăn, lau người cho con gái 37 tuổi mới đi chạy thận về. Chị Xuyên, con gái bà bị bệnh từ năm 22 tuổi, sống tại xóm trọ gần 16 năm.
Bà kể, hầu hết người ở xóm thận có bệnh nhưng vẫn phải bươn chải đủ nghề, từ bán nước, đánh giầy, lượm vỏ chai. Riêng hai mẹ con bà Sinh sống nhờ đồng lương hưu ít ỏi, ăn cơm từ thiện. Nắng nóng khiến chị Xuyên hay bị tụt huyết áp, không thể đi làm. Cả hai tặc lưỡi chấp nhận sống trong căn phòng chật gần bệnh viện. “Vất vả, khổ sở mãi cũng quen. Bớt được đồng nào hay đồng đấy”, bà Sinh nói.
Ở xóm chạy thận 27 năm, anh Mai Anh Tuấn, 48 tuổi, cho rằng thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh đều là nỗi ám ảnh của bệnh nhân. Anh kể, mỗi lần chạy thận trong phòng điều hòa, chỉ cần ra khỏi cửa là sốc nhiệt vì quá nóng, “lết về được đến nhà là nằm bẹp trên giường”. Sau ca chạy thận, người bệnh ăn uống kém, nôn nao và đuối sức nhưng vẫn phải gượng dậy ra đường kiếm sống.
“Biết là ảnh hưởng sức khỏe nhưng không làm thì không có tiền mua thức ăn, chữa bệnh. Nhiều khi thấy thương mình, thương đồng bệnh quá, thời tiết nào cũng khổ”, anh nói.
Để đảm bảo sức khỏe, anh Tuấn luôn bỏ vào balo một chiếc ô, chai nước, thuốc mỗi khi ra đường. Khi chạy xong, anh đi bộ từ tầng 4, Bệnh viện Bạch Mai xuống sảnh để cơ thể không bị sốc nhiệt. Anh tự nhủ so với bệnh nhân nặng hay phải nằm liệt giường, bản thân vẫn còn may mắn để có động lực vượt qua bệnh tật.
Hà Nội đang vào những ngày nắng nóng, đỉnh điểm trên 40 độ C. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo đây là chuỗi ngày nắng nóng kéo dài. Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nói đây là kiểu thời tiết rất độc hại với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
Người cao tuổi có bệnh lý mạn tính rất dễ bùng phát các đợt cấp, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu liên tục dễ mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, sụt cân, buồn bã, lo lắng, cần lưu ý chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Nhóm chạy thận nên ưu tiên thực phẩm đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa; hạn chế thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc). Nên ăn ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp như khoai củ (sọ, lang, sắn).
Hạn chế ăn rau củ có hàm lượng đạm cao như rau muống, rau ngót, rau dền, giá đỗ, rau đay, mồng tơi, cải xanh. Tránh ăn hoặc uống thực phẩm chứa muối như dưa, cà muối, thịt cá muối hay thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, thịt hộp, xúc xích.
Đặc biệt, hạn chế thức ăn chứa nhiều kali như cam, chuối, quả bơ, hạt họ đậu, dâu, nho khô. Tăng thực phẩm giàu canxi như sữa, cá con, cua. Bệnh nhân cũng chú ý uống nước lượng vừa phải, không tiêu thụ quá nhiều.
Theo anh Tuấn, do nắng kéo dài, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ hoặc giúp đỡ để lắp điều hòa, nỗi sợ nóng không còn nặng nề như trước. “Song, lắp điều hòa là một chuyện, dùng hay không lại là chuyện khác”, anh nói.
Như nhà chị Mai, một tháng chi phí sinh hoạt gần hai triệu nên người phụ nữ không bật điều hòa. Hay bà Sinh cũng chấp nhận sống chung nắng nóng, dành tiền cho con gái được chạy thận đúng chu kỳ.
Minh An