Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Bắc Sơn
– Ngày 2/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 – 2022. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2019-2022, chương trình OCOP đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện.
Các đại biểu dự hội nghị
Cụ thể, giai đoạn 2019 – 2022, các cấp, ngành đã tổ chức, lồng ghép tổ chức được 679 hội nghị tuyên truyền cho trên 31.000 lượt người; tổ chức 90 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện chương trình; cấp phát trên 31.000 bộ tài liệu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình là gần 17,5 tỷ đồng…
Theo đó, đã có 105 sản phẩm được chuẩn hóa và đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Số lượng sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là 94 sản phẩm (73 sản phẩm 3 sao; 21 sản phẩm 4 sao).
Hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 84 sản phẩm, trong đó có 65 sản phẩm 3 sao; 19 sản phẩm 4 sao (10 sản phẩm giấy chứng nhận đã hết hiệu lực 36 tháng theo quy định).
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị
Sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.
Về mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu đánh giá phân hạng 3 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; củng cố và nâng cấp ít nhất 40% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% là chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã ban hành kịp thời các văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện chương trình OCOP kịp thời, hiệu quả. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình OCOP, từ đó góp phần xây dựng thành công và đưa những sản phẩm OCOP của tỉnh đi xa hơn, mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thời gian tới, để đạt mục tiêu, yêu cầu chương trình đề ra, các cấp, ngành tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP; phát triển các sản phẩm OCOP mới song song với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhân; nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú ý đến yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững bản sắc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Bên cạnh đó, quan tâm đến chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; chú ý đến việc thiết kế, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác hỗ trợ cho các chủ thể OCOP về vốn, hạ tầng, chuyển đổi số, mặt bằng để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.