Bắt việt vị sai nửa mét
Vòng 9 V-League 2023 chứng kiến pha phất cờ bắt việt vị khó tin của trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn ở trận đấu giữa CLB Công an Hà Nội (CAHN) và Sông Lam Nghệ An (SLNA) trên sân Hàng Đẫy. Trong tình huống phản công của đội khách ở phút 45+2, Jordy Soladio đã đứng trên hậu vệ cuối cùng của CAHN khoảng nửa mét khi nhận đường chuyền của Đinh Xuân Tiến. Tuy nhiên, trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn lập tức phất cờ báo việt vị.
Pha quay chậm cho thấy ông Nguyễn Thành Sơn chọn vị trí không tệ khi đứng phía dưới cả hậu vệ của CAHN. Theo góc nhìn này, khả năng bắt lỗi cực kỳ thấp, nhưng vị trợ lý trọng tài sinh năm 1984 vẫn quyết định sai lầm.
Trưởng ban trọng tài VFF, Đặng Thanh Hạ cho rằng ông Nguyễn Thành Sơn đã mất tập trung dẫn đến sai sót. Chia sẻ với báo giới, ông Đặng Thanh Hạ thừa nhận: “Đó là tình huống bắt việt vị sai. Trong một thoáng, trọng tài đã mất tập trung. Theo tôi, cậu ấy chọn vị trí tốt nhưng không đủ tập trung. Khi tình huống diễn ra ở tốc độ cao, cậu ấy vội vàng phất cờ ngay khi thấy tiền đạo di chuyển xuống”.
Sai lầm của trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn nối dài các tình huống tranh cãi của các trọng tài tại V-League 2023. Trước khi V-League 2023 tạm nghỉ nhường chỗ cho SEA Games 32, các “vị vua áo đen” cũng gây sóng gió trên cả nước. Trong đó nổi cộm nhất là trường hợp trọng tài Trương Hồng Vũ thổi phạt đền cho Nam Định ở trận đấu với Khánh Hòa, giúp đội chủ sân Thiên Trường gỡ hòa 1-1 ở cuối trận. Trong tình huống này, tiền đạo Nam Định đã phạm lỗi cao chân với thủ môn Khánh Hòa khi cố gắng dứt điểm, nhưng đội chủ nhà lại được hưởng phạt đền.
Vấn đề không chỉ nằm ở sân cỏ. Trong khi các chuyên gia và người hâm mộ đều cho rằng trọng tài Trương Hồng Vũ đã sai, Ban trọng tài VFF lại nghĩ ngược lại. Không những vậy, người phát ngôn cho Ban trọng tài VFF không phải trưởng ban Đặng Thanh Hạ mà là một cái tên “ẩn danh”.
Nói cách khác, chất lượng trọng tài V-League 2023 đang bị nghi ngờ từ thượng tầng cho đến những người cầm cân nảy mực trên sân. Và buồn thay, sự nghi ngờ đó ngày càng nhiều lên, khi mỗi vòng đấu đều có những tình huống tranh cãi.
VAR có thể khiến V-League rối hơn.
Có VAR càng thêm rối?
Các giải đấu hàng đầu trên thế giới cho thấy VAR không phải “cứu tinh” cho các trọng tài. VAR giúp các quyết định sai lầm giảm đi đáng kể, nhưng cũng tạo ra nhiều tình huống tranh cãi không có hồi kết.
Cũng ở vòng 9 V-League 2023, Hải Phòng đã cắt mạch 6 trận liền không thắng khi đánh bại Khánh Hòa 2-1 trên sân nhà Lạch Tray. Tuy nhiên, đó cũng là chiến thắng tranh cãi, xuất phát từ quả phạt đền không rõ ràng. Khi hai đội đang hòa nhau 1-1 ở phút 67, Joseph Mpande đi bóng thẳng vào vòng cấm Khánh Hòa và bị Minh Huy cản ngã, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn lập tức thổi phạt đền.
Pha quay chậm cho thấy Minh Huy đã chạm bóng trước, đẩy quả bóng đi lệch hướng di chuyển của Mpande. Trên trang cá nhân, cựu tiền đạo tuyển Việt Nam đồng thời là chuyên gia bóng đá Đặng Phương Nam cho rằng trọng tài Nguyễn Việt Duẩn đã thổi phạt đền sai. Nhưng trưởng ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ lại cho rằng ông Viết Duẩn đã đúng, bởi lẽ Minh Huy đã khóa chân Mpande dù chạm bóng. Trên mạng xã hội, người hâm mộ V-League cũng chia làm hai hướng.
Rất khó để thổi phạt chính xác trong các tình huống như thế. Và không ai biết liệu tổ VAR có yêu cầu trọng tài Nguyễn Viết Duẩn xem lại hay không, và liệu “vị vua áo đen” này có thay đổi quyết định khi được xem lại hình ảnh quay chậm hay không. Thực tế sân cỏ sẽ tạo ra rất nhiều tình huống tranh cãi theo kiểu 50-50 như thế. Và VAR nếu làm trọng tài thay đổi quyết định ban đầu, tranh cãi thậm chí có thể trở nên căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Chưa kể, khả năng xử lý video của các trọng tài trong phòng VAR vẫn là dấu hỏi. Các trận đấu ở V-League có thể bị cắt vụn, ngắt quãng và trở nên rời rạc nếu các trọng tài áp dụng VAR không tốt.
V-League có một lợi thế khi triển khai VAR muộn, đó là các vấn đề phát sinh từ giải pháp này đã được thế giới xử lý gần hết. Thế nhưng, tất cả cần nhớ rằng VAR chỉ là một giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ trọng tài. Quyết định từ đầu đến cuối đều do con người.
Với chất lượng chuyên môn của trọng tài V-League hiện tại, người hâm mộ nghi ngờ hiệu quả của VAR cũng là điều dễ hiểu. Một vấn đề nan giải khác, phòng VAR đòi hỏi số lượng trọng tài lớn, và có thể đẩy VFF, VPF vào tình cảnh thiếu nhân lực. Vì vậy, vấn đề đầu tiên của các nhà quản lý vẫn là nâng cấp chất lượng các trọng tài một cách đồng bộ. Sau đó, để mọi chuyện trở nên suôn sẻ, VFF và VPF có lẽ cần làm nhiều hơn việc đào tạo trọng tài. Họ cần tuyên truyền cho cả người hâm mộ V-League lường trước, và thông cảm cho các tình huống tranh cãi có thể xảy ra do VAR.
Kế hoạch triển khai dự án VAR tại V-League
Từ năm 2019, VPF liên hệ FIFA để được tư vấn, hướng dẫn về các thủ tục và quy trình áp dụng VAR, liên hệ Thai League để tham khảo mô hình VAR tại Thai League.
Từ ngày 15/12/2022 đến tháng 6/2023: Triển khai nhập thiết bị xe VAR, trong đó có việc nhập khẩu, xin giấy phép nhập khẩu, hợp quy các thiết bị thông tin liên lạc vận chuyển thiết bị đến địa điểm bàn giao lắp đặt; Khảo sát mặt bằng các sân vận động sẽ triển khai xe VAR; Thiết kế, lắp đặt vật tư xe VAR, triển khai tích hợp hệ thống tại địa điểm lắp đặt.
Kế hoạch đào tạo trọng tài:
+ Đào tạo lý thuyết cho 50 trọng tài: Hoàn thành lớp học online do FIFA tổ chức ngày 12/11.
+ Đào tạo tại phòng LAB mức độ 1 theo hình thức tập trung từ ngày 20/2 đến 4/3/2023.
+ Đào tạo tại phòng LAB mức độ 2 theo hình thức tập trung từ ngày 18/4 đến 3/5/2023: các tình huống phức tạp dài 3-5 phút cùng việc áp dụng 1 trận đấu 90 phút trực tiếp hoặc ghi trước.
+ Đào tạo trực tiếp trên xe VAR tại các trận đấu không chính thức: dự kiến tháng 5 hoặc 6/2023.
Nguồn cand