08:25, 31/05/2023
Dự kiến trong tháng 6/2023, quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng của EU có hiệu lực. Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau năm 2020.
Cơ hội cho sản xuất minh bạch
Để giải quyết tình trạng phá rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu toàn cầu, EU đã đưa ra Dự luật về sản phẩm không phá rừng (EUDR), với những yêu cầu và mục tiêu rõ ràng cho các sản phẩm liên quan đến nguy cơ cao về phá rừng và suy thoái rừng, bao gồm cà phê. Dự luật này yêu cầu các nhà nhập khẩu và đối tác chuỗi cung ứng của họ chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Cụ thể, EUDR đòi hỏi 100% sản phẩm cà phê vào châu Âu phải có tọa độ/polygon GPS của từng vườn sản xuất. Dựa trên các công cụ giám sát, nếu phát hiện có tình trạng mất/suy thoái rừng, thì lô hàng đó sẽ phải đối mặt với việc thu hồi, hoàn trả.
Nông dân sơ chế cà phê. |
Hiện nay, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính của Việt Nam, với gần 1,8 triệu tấn, mang lại giá trị hơn 4 tỷ USD vào năm 2022. Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của Việt Nam với 213.336 ha, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh. Tuy nhiên, ngành cà phê đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng từ các yêu cầu thị trường chặt chẽ và áp lực bền vững, đặc biệt là về phá rừng, khí thải sản xuất cũng như thu nhập bền vững và hợp lý cho nông dân trồng cà phê.
Để đáp ứng tốt những yêu cầu theo xu thế phát triển của toàn cầu, từ năm 2002, Đắk Lắk đã thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (4C, UTZ, RFA, FLO) và gần đây là cà phê hữu cơ. Đồng thời, có 12 đơn vị được chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê nhân (tổng diện tích 20.326 ha, sản lượng đăng ký 39.890 tấn/năm) và 7 đơn vị được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê rang xay (193 tấn cà phê hạt rang, 125 tấn cà phê bột, 2.000 tấn cà phê hòa tan nguyên chất). Đây cũng là chỉ dẫn địa lý cà phê đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng hình thành thế hệ làm cà phê thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu về sản xuất bền vững.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, dự luật này nhằm giảm thiểu rủi ro các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào, hoặc xuất khẩu từ EU. Về cơ bản, EUDR không tác động nhiều đến cà phê của Việt Nam – Đắk Lắk, bởi EU lấy mốc thời gian từ năm 2020 trở lại đây, trong khi cà phê của Đắk Lắk đã phát triển ổn định từ mấy chục năm nay. Đồng thời, EUDR cũng phù hợp với các chính sách bảo vệ rừng và phát triển cà phê của Việt Nam. Quan điểm của tỉnh là bám sát các nội dung trong Dự luật để xin ý kiến Bộ NN-PTNT nhằm có một chủ trương thống nhất để Đắk Lắk có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc này, vì đây là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk vào châu Âu. Trên cơ sở này, Đắk Lắk cũng sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất để chuẩn bị các chứng nhận cho những vùng đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới của EU, để khi EUDR có hiệu lực thì Đắk Lắk đã sẵn sàng về mặt thủ tục cho các sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là những cảnh báo để ngăn ngừa tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất hay sử dụng đất có nguồn gốc từ phá rừng.
Chủ động các giải pháp
EUDR dự kiến được công bố vào tháng 6/2023, với thời gian chuẩn bị cho các bên liên quan là 18 tháng. Để chủ động đưa ra các giải pháp khả thi hỗ trợ ngành cà phê và các vùng sản xuất chính đáp ứng được yêu cầu EUDR, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH) hoàn thiện kế hoạch triển khai thí điểm trong toàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận các thông tin, quy định mới của EU nhằm tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho xuất khẩu giữ vững thị trường, tránh vi phạm trong tương lai.
Thu hoạch cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Các địa phương cần chủ động nắm vững yêu cầu của EUDR, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai trên nguyên tắc kế thừa, dễ làm và ít tốn kém, đáp ứng yêu cầu của phía EU”.
Ông Nguyễn Hoài Dương,Giám đốc Sở NN-PTNT
|
Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Châu Á, Chương trình Cảnh quan (IDH) cho rằng, Đắk Lắk cần quan tâm các giải pháp về: Thông tin và dữ liệu cần thiết đối với nền bản đồ tham chiếu để giám sát sản xuất cà phê gây mất rừng; dữ liệu định vị GPS/polygon cho toàn bộ các vườn trồng cà phê; khoanh vùng những khu vực sản xuất cà phê theo các mức độ nguy cơ cao – trung bình – thấp về gây mất rừng; truy xuất nguồn gốc… Bởi hiện nay, công cụ theo dõi từ xa của EU (bằng ảnh viễn thám) sẽ phát hiện các trường hợp mất rừng dựa trên nền bản đồ rừng tham chiếu được quốc gia công nhận và chia sẻ, để xác định liệu việc mất/suy giảm thảm phủ tại một điểm GPS/polygon nhất định có nằm trên phạm vi đất rừng hay không. Do đó, cần phải thống nhất, đưa ra được một nền bản đồ rừng tham chiếu chính xác, phản ánh đúng thực tế rừng và các loại rừng phù hợp với quy định và định nghĩa của châu Âu. Bên cạnh đó, đối với các loại rừng trồng lấy nguyên liệu gỗ, giấy, mủ cao su cũng cần được xác nhận lại để tránh hệ thống nhận định đây là rừng tự nhiên. Ngoài ra, EUDR yêu cầu đầy đủ việc theo dõi nguồn gốc của sản phẩm cà phê đến tận vườn trồng, do đó tất cả cà phê được nhập khẩu vào EU phải có dữ liệu định vị địa lý (GPS/polygon) về nơi sản xuất. Chính vì vậy, cần có sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong việc chia sẻ những dữ liệu hiện có, đồng thời xây dựng quy trình xác định và lập danh sách dữ liệu GPS/polygon cho tất cả các vườn trồng cà phê…
Hiện IDH cũng đề nghị các bên liên quan xây dựng cơ chế chia sẻ, phản hồi thông tin khi thị trường châu Âu phát hiện, cảnh báo về tình hình mất rừng tại các điểm sản xuất cà phê được cung ứng vào thị trường này. Đồng thời, trao đổi về các chương trình, hoạt động hỗ trợ nông hộ trong các khu vực cà phê có nguy cơ cao, đặc biệt trong việc đảm bảo sinh kế, nâng cao nhận thức và các hình thức khuyến khích tái trồng rừng/bảo vệ rừng khác.
Minh Thuận – Minh Thông