Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”và Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas
Ngày 2.6 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức ký kết bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác Việt – Mỹ; tiếp nhận tượng trưng “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) bàn giao.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” điều hành phần bàn giao “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam”
Buổi lễ có sự tham gia của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân; đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”; 5 gia đình liệt sĩ đến từ Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Nội và thân nhân liệt sĩ Phan Đình Điều, xã Lê Hồng, Thanh Miện (Hải Dương).
Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas cho biết trung tâm đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu, bao gồm thư từ, sổ tay… liên quan đến chiến tranh và lịch sử Việt Nam
Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn cuốn sổ tay nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật, kỷ vật của bộ đội Việt Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa thu giữ. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật đã được VNCA số hoá trong một dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam”. Những bản copy này chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng.
Ông Phan Đình Đều (người cầm micro), em ruột liệt sĩ Phan Đình Điều bật khóc khi tiếp nhận hình ảnh về cuốn nhật ký của anh trai
Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, VNCA phối hợp Viện Hòa bình và Xung đột tại Đại học Texas Tech đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu và sinh viên sang Việt Nam; đồng thời, bàn giao một phần “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”.
Hồ sơ bàn giao lần đầu gồm 5 nhật ký và 30 lá thư hầu hết của liệt sĩ. Bao gồm nhật ký của liệt sĩ: Phan Đình Điều (Hải Dương), liệt sĩ ở Quảng Nam, Thanh Hoá, Hà Nội. Nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều đã được số hóa và trao tượng trưng cho gia đình liệt sĩ, tuy nhiên nhiều phần đã không còn đọc được.
Người chú ruột 94 tuổi của liệt sĩ Phan Đình Điều, cựu chiến binh Điện Biên Phủ chia sẻ ký ức về người cháu liệt sĩ
Đại diện các gia đình liệt sĩ đã rất xúc động, khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn những di vật của ông, cha, chú của mình. Đó là những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất, cùng nội dung chứa đựng bên trong mỗi lá thư, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến.
Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc VNCA cho biết trung tâm thành lập năm 1989, với nhiệm vụ thu thập và bảo quản các tài liệu, thông tin về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trung tâm đã trở thành bộ sưu tập thông tin phi Chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất thế giới về chiến tranh tại Việt Nam. Đến nay, trung tâm đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu, bao gồm thư từ, sổ tay, ảnh, bản đồ, báo chí, ấn phẩm, bản ghi âm, phim, video… liên quan đến chiến tranh và lịch sử Việt Nam.
Trước khi bàn giao và tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam”, lễ ký bản thoả thuận ghi nhớ việc hợp tác giữa Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” với VNCA đã được tổ chức, với các nội dung: Hai bên sẽ phối hợp xử lý, khai thác những “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” đang được lưu giữ tại VNCA một cách khoa học, minh bạch và hiệu quả nhất; cùng nhau thiết lập những cầu nối để chuyển giao lại những “di sản vật” cho thân nhân các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết sự kiện có hơn 50 cơ quan báo chí tham dự, trong đó Báo Hải Dương là báo địa phương duy nhất.
TIẾN HUY