Các thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Kỹ Thuật Việt Trì ra về sau khi hoàn thành bài thi môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: phutho.gov.vn
Giảm tải bậc Trung học
Nhiều trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế tại địa phương trong công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Yển Khê (huyện Thanh Ba) cho biết, những năm trước, trường có tỷ lệ học sinh đăng ký thi vào các trường Đại học, Cao đẳng rất cao, chiếm trên 80- 90%. Thi vào các trường Đại học vẫn là mong muốn của hầu hết phụ huynh, học sinh của nhà trường. Nhờ đổi mới công tác phân luồng và hướng nghiệp, suy nghĩ của cha mẹ, học sinh của nhà trường đã thay đổi trong những năm gần đây. Năm học 2022 – 2023, toàn trường có 220 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp, trong đó chỉ có 113 học sinh đăng ký thi Đại học, chiếm hơn 50%, còn lại là tốt nghiệp và tham gia lao động sản xuất.
Theo cô Nguyễn Thị Tố Nga, để có được kết quả trên, nhà trường đã đẩy mạnh rà soát, phân luồng học sinh ngay từ đầu năm học; đồng thời tăng cường hướng nghiệp qua hoạt động ngoại khóa như tổ chức các buổi tham quan tại các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất kinh doanh hay các làng nghề. Năm 2022-2023, nhà trường đã tổ chức 3 lần trải nghiệm cho học sinh tại các doanh nghiệp, trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh; 3 lần tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp tại trường và liên tục lồng ghép tại lớp…
Công tác phân luồng và hướng nghiệp được triển rất sớm tại Trường Trung học Cơ sở Hạ Giáp (huyện Phù Ninh). Cô giáo Đỗ Thanh Hà, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, trường luôn chú trọng tuyên truyền, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, giáo viên thường xuyên sát sao, nắm bắt năng lực, trình độ, năng khiếu, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng học sinh; đồng thời nắm bắt rõ nhu cầu, số lượng tuyển sinh của các trường Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện và các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề trong tỉnh…để tư vấn, định hướng cho các em. Nhà trường gắn hoạt động dạy học với việc tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống… Năm học 2022-2023, Trường Trung học Cơ sở Hạ Giám có 56 học sinh lớp 9, sau phân luồng có 40 học sinh số đăng ký dự thi vào Trung học Phổ thông; còn lại đăng ký học Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến năm 2022, tỷ lệ học sinh sau Trung học Cơ sở vào học Trung học Phổ thông giảm còn 69%. Số học sinh tham gia học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tăng lên 26,8%. Tỷ lệ học sinh sau Trung học Phổ thông đăng ký thi vào các trường Đại học, Cao đẳng giảm còn 54,8%. Số học sinh chuyển qua học nghề tăng lên 12%, số còn lại tham gia lao động sản xuất. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ học sinh sau Trung học Cơ sở tham gia học trình độ Trung cấp, bổ túc văn hóa Trung học Phổ thông gắn với học nghề tiếp tục tăng lên. Số học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tham gia học nghề ở trình độ Cao đẳng, Trung cấp sẽ tăng.
Đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp; mỗi cơ sở giáo dục thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp. Sở hướng dẫn các trường Trung học Cơ sở phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện, các trường Trung cấp trên địa bàn tổ chức dạy nghề phổ thông; khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất kinh doanh…
Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh phổ thông đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.
Chưa đạt kế hoạch đề ra
Công tác phân luồng, hướng nghiệp được tỉnh Phú Thọ triển khai từ rất sớm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa đạt được theo kế hoạch đề ra.
Năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 2799/KH-UBND ngày 25/6/2019 về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ phải đảm bảo ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ Trung cấp và Sơ cấp. Tuy nhiên, đến năm 2022, chỉ tiêu này mới đạt 26,8%. Bậc Trung học Phổ thông đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp, tuy nhiên đến nay chỉ tiêu này mới đạt 12,9%. Nhiều chỉ tiêu khác chưa đạt kế hoạch đề ra.
Theo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nguyên nhân của tình trạng này do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với công tác phân luồng học sinh sau giáo dục Phổ thông chưa đầy đủ. Nhiều phụ huynh còn mang nặng tâm lý coi trọng bằng cấp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng sau tốt nghiệp của một số trường học, một số cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa thực sự sâu rộng, còn nhiều hạn chế và mang tính hình thức…
Bên cạnh đó, chương trình, nội dung hướng nghiệp vẫn còn nặng về lý thuyết; hạn chế về cung cấp thông tin ngành nghề. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng không được đào tạo về chuyên môn, phương pháp tư vấn hướng nghiệp hạn chế. Chính vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp tại các nhà trường mới chỉ dừng lại ở mức sơ bộ, chưa có tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, công tác giải quyết việc làm đầu ra sau đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn nên không hấp dẫn học viên tham gia, các trường nghề chưa có sức hấp dẫn cao với học sinh trung học cơ sở, đa số phụ huynh học sinh muốn con em sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học Trung học Phổ thông, đặc biệt là vào học các trường công lập, không muốn con em đi học nghề…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đồng thời, tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông…
Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ Trung cấp và Sơ cấp; đảm bảo ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu có 80% trở lên các trường Trung học Cơ sở có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương; đảm bảo trên 80% các trường bậc Trung học Phổ thông có giáo viên kiêm nghiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp đáp ứng về nghiệp vụ, chuyên môn…