Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, một trong những biểu hiện đáng lo ngại là sức mua hàng hóa suy giảm. Những tháng đầu năm 2023 doanh thu lĩnh vực bán lẻ của TP Cần Thơ được nhận định ở mức tăng trưởng thấp. Kích cầu tiêu dùng được coi là một trong những động lực, giải pháp trọng tâm của nền kinh tế hiện nay.
Khách hàng mua nông sản Việt tại siêu thị GO! Cần Thơ.
Nỗ lực duy trì
Thống kê từ Sở Công Thương TP Cần Thơ, lũy kế 5 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện gần 48.538 tỉ đồng, tăng 13,85% so với cùng kỳ, đạt 38,6% so với kế hoạch năm (125.710,79 tỉ đồng). Mặc dù sức mua tăng nhưng giỏ hàng hóa bị mất cân xứng, tức là chỉ tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng khác như may mặc, hàng tiêu dùng bị người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu mạnh.
Theo đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi: Co.opmart Cần Thơ/Thốt Nốt/Bình Thủy, GO! Cần Thơ, Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi, LOTTE Mart Cần Thơ, Satra Cần Thơ, Co.op Food,… mặc dù các đơn vị tích cực luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, nhưng sức mua hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm bình quân 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sụt giảm mạnh nhất là mặt hàng may mặc, hàng gia dụng, đồ dùng gia đình. Theo các đơn vị, người tiêu dùng khi mua sắm tập trung các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm nhưng sức mua mặt hàng này cũng giảm khoảng 5% so với cùng thời điểm năm 2022; hoặc chọn mua các sản phẩm đang có chương trình giảm giá, khuyến mãi. Các đơn vị nhận định bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, các đơn vị còn phải chịu sự cạnh tranh từ hình thức thương mại điện tử thông qua các trang mua sắm trực tuyến và mạng xã hội.
Bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết, doanh thu 5 tháng đầu năm 2023 đạt 49% so với kế hoạch năm 2023. Mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều là nhóm hàng may mặc, đồ dùng giảm 3-5%; mặt hàng thực phẩm công nghệ ở mức ngang bằng; ngành hàng thực phẩm tươi sống giảm 6-7%. Ðể duy trì sức mua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu như luân phiên thực hiện các chương trình khuyến mãi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa. Siêu thị còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt và tăng sức mua bằng hoạt động quảng bá, khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng mặt hàng.
Ông Ngô Ngọc Nhân, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, tăng trưởng thương mại 5 tháng đầu năm mặc dù tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chưa đạt như kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do sau Tết Nguyên đán sức mua giảm, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Hy vọng, những tháng tới khi thị trường vào cao điểm du lịch hè; cùng đó là mùa mua sắm cuối năm,… sức mua sẽ tăng trưởng tốt hơn. Song song đó, Sở Công Thương thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hoạt động không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt chính hãng, mà còn là giải pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Ngành Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch để tham mưu lãnh đạo thành phố thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng như tháng bán hàng khuyến mại, chương trình tinh hoa hàng Việt… Ðặc biệt, TP Cần Thơ vừa đưa vào khai thác đường bay Cần Thơ – Vân Ðồn (Quảng Ninh), hy vọng từ đường bay này sẽ thu hút lượng khách du lịch từ Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc đến Cần Thơ, sẽ thúc đẩy sức mua hàng hóa.
Chủ động giải pháp
Ðại diện các nhà bán lẻ kiến nghị, thành phố và ngành Công Thương nên thường xuyên tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu du lịch thông qua các lễ hội, hội nghị để thu hút du khách đến thành phố. Xây dựng các chương trình kích cầu mua sắm trên địa bàn; quảng bá các chương trình khuyến mãi của các đơn vị để người tiêu dùng tin tưởng vào chương trình, an tâm mua sắm. Ðồng thời cần tham mưu UBND thành phố, sở ngành thực hiện khi mua sắm các thiết bị, hàng hóa nên ưu tiên chọn hàng Việt…
Ðại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) – đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.op Food… khẳng định, đơn vị cam kết nỗ lực với chính quyền đưa hàng có chất lượng tốt nhất, giá hợp lý nhất đến với khách hàng. Mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn được xem là chủ lực của chuỗi hệ thống, do vậy đơn vị đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các chương trình kích cầu như mời dùng thử sản phẩm, hoạt động quảng bá, giảm giá… Ðặc biệt, 6 tháng cuối năm, chuỗi hệ thống siêu thị của Saigon Co.op có 2 chương trình khuyến mãi lớn, hy vọng đây sẽ là động lực lớn để đẩy mạnh sức mua.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (chủ chuỗi hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market…), cho biết: “Dự đoán ảnh hưởng sức mua hàng hóa từ tác động vĩ mô, ngay từ đầu năm chúng tôi đã lập tức xây dựng các kế hoạch để kích cầu mua sắm, đặc biệt với chương trình “Tiết kiệm hơn mỗi ngày cùng GO!” áp dụng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm”. Chương trình này nhằm mục tiêu duy trì sức mua và giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn”.
Ðể duy trì kinh doanh, đa số các nhãn hàng, thương hiệu đã thực hiện các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng như mua 1 tặng 1, tặng voucher giảm giá trên hóa đơn, áp dụng sản phẩm tặng kèm, luân phiên giảm giá theo ngành hàng, giảm giá theo định kỳ tuần…
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, nhằm hỗ trợ lĩnh vực thương mại, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp với các đơn vị; theo dõi diễn biến thị trường; tham mưu thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu. Xây dựng kế hoạch tham gia kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại tại TP Hồ Chí Minh; tham mưu lãnh đạo sở làm việc với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh về việc tổ chức Chương trình “Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành” tại TP Hồ Chí Minh… Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Theo các chuyên gia, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả cần sự chủ động, vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp; cần sự cộng hưởng của nhiều chính sách, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ðó là, bên cạnh chính sách giãn, giảm thuế, các chính sách tín dụng tiêu dùng cũng cần được mở rộng hơn nữa. Tại các doanh nghiệp, việc thực hiện các chương trình khuyến mãi cần được triển khai ở nhiều loại mặt hàng, ở nhiều địa phương. Từ phía doanh nghiệp, song song với việc áp dụng giảm giá cần gắn liền với việc đảm bảo chất lượng hàng hóa. Song song đó, việc chống hàng giả, hàng nhái, nhất là hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng lậu cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ðiều này vừa bảo vệ người tiêu dùng vừa bảo vệ nền sản xuất trong nước.