Về xã Yên Đồng (Ý Yên) lúc nào cũng thấy trong những xưởng sản xuất mũ thời trang không khí lao động sôi nổi; tiếng máy may rào rào hòa trong tiếng cười nói rộn ràng của thợ may. Với sản phẩm mũ thời trang xuất khẩu có giá trị kinh tế đã giúp làng nghề trụ vững trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Sản xuất mũ mềm thời trang tại cơ sở sản xuất Huy Hương, xã Yên Đồng. |
Theo những người cao niên trong làng thì nghề sản xuất mũ thời trang ở Yên Đồng bắt nguồn từ nghề may băng giang xuất khẩu sang các nước châu Âu có từ 50 năm trước. Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, người dân Yên Đồng đã xoay xở tìm cách giữ nghề cũng là giữ việc làm và thu nhập. Vốn năng động nên bà con tận dụng phần ruột thanh giang mà trước đây vốn chỉ bỏ đi làm chất đốt để làm nguyên liệu đan thành sản phẩm mũ nan rộng vành che nắng bán cho người dùng nội địa. Do nguyên liệu tận dụng nên giá thành rẻ, mũ được làm theo các mẫu thiết kế thời trang xuất khẩu nên hấp dẫn, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng che mưa che nắng nên nhiều người chuộng dùng. Cao điểm, toàn xã có hàng trăm hộ gia đình có thêm nghề đan mũ giang lúc nông nhàn.
Người đầu tiên khởi phát nghề may mũ là ông Đào Hữu Xuyên, xóm 22. Từ khi nảy sinh ý tưởng đến khi hoàn thiện chiếc mũ giang đầu tiên, ông Xuyên đã phá hỏng hai máy khâu. Rồi quá trình mày mò nghiên cứu, ông Xuyên nhận thấy, giang cứng hơn vải nhiều, phải cải tiến nhiều chi tiết máy khâu. Trong đó, riêng cây kim may là khó nhất, mua đâu cũng không được, buộc ông phải hì hục giũa nan hoa xe đạp chế ra. Sau khi bản thân may mũ thành thạo rồi, ông Xuyên dạy cho vợ con và người dân trong làng, trong xã may mũ. Đến bí quyết nhuộm giang thì ông phải khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh cả năm trời đi nhuộm vải thuê mới học được kỹ thuật giữ màu luôn sắc nét, tươi tắn và ít bị phai trước nắng, mưa; rồi cách pha màu để đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng. Tiếp đó, ông Xuyên lại phải đôn đáo tìm đầu ra cho sản phẩm. Những chiếc mũ giang lại theo chân ông len lỏi khắp các chợ quê, chợ tỉnh. Trời không phụ công người, những chiếc mũ giang nhanh chóng được thị trường toàn quốc đón nhận. Nhưng rồi mũ giang không còn được ưa chuộng, phải cạnh tranh với các loại mũ bằng chất liệu nhựa mềm, vải lụa từ nước ngoài tràn vào với mẫu mã, kiểu dáng thời trang đẹp bắt mắt khiến thị trường bị thu hẹp.
Đang trong lúc khó khăn, hàng ngày xem phim ảnh trên tivi, người dân Yên Đồng thấy hình ảnh du khách nước ngoài đi biển đội những chiếc mũ nan vành rộng, màu sắc sặc sỡ rất đẹp nên đã nảy ra ý nghĩ làm theo… Với ưu điểm là hàng sản xuất thủ công, giá rẻ, mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt và có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, vốn được khách nước ngoài ưu tiên lựa chọn nên những lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu thành công qua Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương sang các thị trường Pháp, Mê-hi-cô, Xinh-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần tiêu thụ nội địa. “Thừa thắng xông lên”, người dân Yên Đồng lại tiếp tục tìm hiểu thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á để xuất khẩu sản phẩm mũ thời trang. Với sự hỗ trợ của internet, việc tìm kiếm mẫu mã, nguyên phụ liệu thuận tiện hơn, sản phẩm mũ thời trang của làng nghề may băng giang Yên Đồng ngày càng đa dạng, sinh động; thị trường mở rộng sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia. Làng nghề làm mũ ở Yên Đồng trở nên sầm uất hơn với hơn 10 công ty và hàng trăm cơ sở sản xuất hộ gia đình chuyên may mũ mềm xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động ở các xã lân cận.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở mũ thời trang Huy Hương cho biết: Nghề may mũ thời trang tuy thu nhập không cao nhưng tạo được việc làm ổn định cho lao động phổ thông, đặc biệt là phụ nữ hết tuổi lao động. Hơn nữa lại tranh thủ được thời gian sớm tối nên chúng tôi luôn nỗ lực duy trì và phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc làm theo mẫu đặt hàng, chúng tôi chủ động thiết kế mẫu chào hàng và tự mua máy móc về cắt dập mẫu hoa, nơ trang trí để tạo nên sự khác biệt của sản phẩm so với hàng hóa trên thị trường và tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu, tạo thêm công việc cho người lao động. Hiện tại mỗi ngày hơn 40 lao động của cơ sở sản xuất được 3.000 sản phẩm xuất bán sang Thái Lan và Campuchia.
Để giúp các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của người làm nghề, chính quyền xã đã quan tâm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến giao dịch; hỗ trợ tuyển dụng, tìm kiếm lao động để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương