Ngày 2/6, diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á mang tên Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc tại Singapore.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 được đánh giá là sự kiện ‘vô giá’ với nhiều cuộc gặp song phương và đa phương. |
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 – sự kiện thu hút các quan chức quân đội cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới diễn ra từ ngày 2-4/6.
Hơn 600 đại biểu đến từ 49 quốc gia sẽ tham dự diễn đàn, mở đầu bằng bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào tối 2/6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc sẽ có các bài phát biểu vào dịp cuối tuần.
Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện này là vô giá bởi nó mở ra nhiều cuộc gặp song phương và đa phương bên lề các phiên họp toàn thể và sẽ có các bài phát biểu của các bộ trưởng quốc phòng.
Tuy nhiên, hôm 29/5, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.
Theo các nhà phân tích, xung đột ở Ukraine, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và các chương trình vũ khí của Triều Tiên cũng là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của nhiều đại biểu. Không có đại biểu nào từ Nga hay Triều Tiên tham dự diễn đàn.
Theo Reuters, dự kiến, cuộc ganh đua ngày ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chi phối hội nghị cuối tuần.
Bà Lynn Kuok, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế – tổ chức tư vấn tổ chức Đối thoại Shangri-La cho biết, bà không lạc quan về sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung.
Các vấn đề quan trọng khác có khả năng được thảo luận bao gồm căng thẳng ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các mối quan hệ an ninh trong hiệp định 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) cũng như trong nhóm Bộ tứ (Quad – gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) dự kiến cũng nổi lên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại về mục đích của các nhóm này.