Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn trên thế giới – đã giảm 0,8% tuần này – mạnh nhất kể từ giữa tháng 1.
USD yếu đi khi nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng nâng lãi tháng này và Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về trần nợ. Hiện tại, chỉ số này giảm 0,1% so với hôm qua.
Nhà đầu tư đang đặt cược Fed dừng nâng lãi tháng tới, khiến đồng bạc xanh kém hấp dẫn với người mua ngoài Mỹ. Hôm 1/6, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho biết “đã đến lúc ấn nút dừng lại một lần và xem tình hình ra sao”.
Một ngày trước đó, thành viên Hội đồng thống đốc Fed Philip Jefferson cũng nhận định “bỏ qua nâng lãi trong phiên họp sắp tới sẽ cho phép hội đồng có thời gian tiếp nhận thêm dữ liệu, từ đó quyết định về quy mô thắt chặt chính sách”. Phiên họp tiếp theo của Fed diễn ra ngày 13-14/6.
Khi vấn đề trần nợ đã bị bỏ lại phía sau, nhà đầu tư giờ sẽ quan tâm đến các ngân hàng trung ương và dữ liệu kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta có các thông điệp khá trái chiều. “Gần đây, hai quan chức Fed đã đề cập đến việc dừng nâng lãi trong tháng 6, nhưng cũng không loại trừ khả năng tăng trở lại trong hè này. Tôi cho rằng kỳ vọng nâng lãi vẫn có thể hỗ trợ cho USD”, Fiona Cincotta – chiến lược gia thị trường tại City Index nhận xét.
Số liệu sản xuất của Mỹ gần đây đi xuống, củng cố quan điểm dừng tăng lãi. Tuy nhiên, thị trường việc làm chưa hạ nhiệt. Báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố hôm nay.
Thị trường hiện dự báo khả năng Fed nâng lãi là 29%, giảm mạnh so với gần 70% đầu tuần này.
Bên cạnh đó, việc Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã thông qua dự luật về trần nợ cũng được cho là khiến USD yếu đi. “Việc này sẽ khiến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn, từ đó gây tác động tiêu cực lên USD”, Ray Attrill – Giám đốc Chiến lược Ngoại hối tại National Australia Bank lý giải.
UBS hôm 30/5 cũng cho rằng thỏa thuận trần nợ được thông qua sẽ hỗ trợ các tài sản rủi ro, gây sức ép lên USD. Đôla Mỹ được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động.
Hà Thu (theo Reuters)