Theo Ban Tổ chức, giải năm nay đã thu hút 1.894 tác phẩm với các thể loại, trong đó có 1.774 tác phẩm đủ điều kiện. Trong số 1.774 tác phẩm thuộc 11 loại Giải, Hội đồng sơ khảo thống nhất lựa chọn 157 tác phẩm vào vòng Chung khảo.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng giải báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo – cho biết, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII tiếp tục nêu cao vai trò giải thưởng cao quý nhất dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.
“Năm nay là năm thứ 17 giải được tổ chức với nhiều thành viên mới trong cả Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo. Công việc tổ chức giải được thực hiện nề nếp, bài bản, thu hút được sự tham gia tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Minh cũng đánh giá năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn của đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Trên báo chí đã có rất nhiều thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu về nội dung, đồng thời rất đa dạng, phong phú trong hình thức thể hiện về những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với các tác phẩm dự giải, ông Lê Quốc Minh đánh giá, đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2022.
Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và cả các tuyến thông tin tuyên truyền đối ngoại hiệu quả. Đồng thời phản ánh nỗ lực phụ hồi phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nhiều tác phẩm phản ánh các vấn đề kinh tế nổi bật như thị trường chứng khoán, khủng hoảng thị trường bất động sản, lừa đảo tín dụng, lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu; Các vấn đề xã hội nóng như vấn nạn ma túy học đường, buôn người sang Campuchia, cũng được các tác phẩm khai thác. Các đề tài về văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa tại cộng đồng; bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới cũng được chú trọng.
Các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; Tinh thần đại đoàn kết dân tộc, những tấm gương điển hình, những nghĩa cử cao đẹp có tính thuyết phục, lay động lòng người cũng được quan tâm; Đặc biệt, nhiều tác phẩm cũng đã đề cập đến công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống xã hội.